Rủi ro ở mẹ bầu IVF
Với kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF), tạo và chuyển phôi thành công chỉ là bước khởi đầu thuận lợi cho hành trình 9 tháng 10 ngày mang thai, các mẹ bầu hiếm muộn có thể gặp nhiều rủi ro thai kỳ như: dọa sẩy thai, sẩy thai, thai ngừng phát triển, sinh non, nhau bong non, nhiễm trùng, băng huyết... Với thai nhi, có thể tăng nguy cơ thai dị tật, bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng, dị tật thai nhi, vàng da, nhiễm trùng, suy hô hấp,... Đặc biệt, trong 3 tháng đầu thai kỳ sau IVF, mẹ bầu có gặp nhiều khó khăn như: mất tim thai, thai ngoài tử cung, sẩy thai, thai bóc tách hoặc đa thai. Ba tháng cuối của thai kỳ có thể tăng nguy cơ sinh non, nhau tiền đạo, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, thai lưu.
ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa, bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, thai IVF được xem là thai kỳ nguy cơ cao cần theo dõi đặc biệt vì người mẹ, hoặc bố có bệnh lý tiềm ẩn, bệnh nền nội khoa, bệnh di truyền và tuổi tác người mẹ cao là những nguy cơ thúc đẩy tình trạng sẩy thai, sinh non. Theo thống kê, nữ giới trong độ tuổi 35 - 45 sẽ có 20 - 35% khả năng bị sẩy thai và con số này tăng lên 50% ở những người từ 45 tuổi trở lên.

Chị Dung thai kỳ IVF thiếu ối, dọa sinh non 24 tuần được quản lý nghiêm ngặt tại BVĐK Tâm Anh để đón bé chào đời an toàn vào tuần 36. Ảnh: Tuệ Diễm.
Tại BVĐK Tâm Anh TP HCM, mỗi ngày, bệnh viện theo dõi thai cho hàng trăm thai phụ, trong đó có khoảng 10% thai kỳ thụ tinh ống nghiệm từ Trung tâm IVF Tâm Anh và các trung tâm Hỗ trợ sinh sản khác chuyển đến thăm khám.
Thực hiện IVF thành công tại một bệnh viện ở TP HCM, chị Vũ Thị Dung (32 tuổi, Đồng Nai) theo dõi thai tại bệnh viện gần nhà. Đến tuần 24 thai kỳ, chị phát hiện thiếu ối nặng, lập tức chuyển đến BVĐK Tâm Anh TP HCM cấp cứu, nguy cơ thai bị thiểu sản phổi, cứng khớp, biến dạng mặt, sinh non hoặc thai lưu.
Các bác sĩ truyền ối cho thai phụ để cấp cứu thai nhi, đồng thời tiếp tục theo dõi nghiêm ngặt trong suốt 90 ngày tiếp theo, với nhiều biến chứng phức tạp kèm theo: nhau tiền đạo nguy cơ chảy máu nhiều, u xơ tử cung đoạn eo to, nguy cơ sinh con non tháng, mẹ bầu bị viêm phổi, suy hô hấp từ 24 tuần thai kỳ. Đến giữa tháng 9 vừa qua, chị Dung đón con trai chào đời an toàn, nặng 2,7 kg.
Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh cũng phối hợp khoa Tim bẩm sinh quản lý thai kỳ và điều trị cho thai phụ Nguyễn Như Quỳnh (31 tuổi, TP HCM) mang song thai IVF sau 5 năm hiếm muộn, trong đó một thai phát hiện có dị tật tim bẩm sinh nặng ở tuần 20 thai kỳ. Thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh hẹp eo động mạch chủ, cần phải có kế hoạch dự phòng nguy cơ mất tim thai đột ngột, sinh non... Ở tuần thai 36, chị Quỳnh bất ngờ vỡ ối, được các bác sĩ mổ cấp cứu trong đêm để đưa hai bé ra ngoài an toàn.
Biện pháp tăng khả năng giữ thai cho mẹ bầu IVF
Theo BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TPHCM, để bảo vệ thai sau thụ tinh trong ống nghiệm, các bác sĩ phải có kế hoạch theo dõi, chăm sóc nghiêm ngặt ngay khi bệnh nhân được chuyển phôi. Trong 12 tuần đầu thai kỳ, thai phụ thường được hẹn thăm khám sát sao, cách một tuần đến hai tuần tùy tuổi thai.
Cụ thể, các mẹ bầu được theo dõi đặc biệt thời điểm thai 4 tuần tuổi, thực hiện xét nghiệm beta HCG để xác định xem có thai hay không. Ở 6-8 tuần thai kỳ, mẹ bầu được siêu âm để xác định vị trí túi thai, số lượng túi thai và số lượng phôi thai, sức khỏe thai thông qua việc đánh giá túi thai, noãn hoàng, phôi thai, tim thai... Thời điểm 9-10 tuần, thai phụ tiếp tục được siêu âm đánh giá sự phát triển của phôi thai.
Gần mốc 12 tuần, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản tiếp tục chuyển hồ sơ thai phụ sang Trung tâm Sản Phụ khoa thăm khám theo quy trình khám thai giống các mẹ bầu mang thai tự nhiên.
Thời điểm 12 tuần
Ở mốc 12 tuần, thai phụ được chỉ định các xét nghiệm, siêu âm tầm soát dị tật thai, đánh giá về nguy cơ sanh non trong thai kỳ và các biện pháp can thiệp. Đặc biệt, tỷ lệ song thai ở nhóm thai kỳ IVF cao, siêu âm hình thái học đóng vai trò quan trọng trong việc phân định số nhau ối giúp quản lý thai kỳ hiệu quả.
Một số trường hợp thai IVF có bất thường nhiễm sắc thể sẽ được chỉ định sinh thiết gai nhau, chọc dò ối từ sau 16 tuần,... Có tới 30% thai kỳ IVF ở thai phụ ngoài 35 tuổi, vì thế chị em cũng cần tầm soát nguy cơ tiền sản giật, tư vấn dự phòng tiền sản giật.
3 tháng giữa thai kỳ
Các mẹ bầu mang thai IVF có tiền sử sinh non, mang đa thai... sẽ được siêu âm để sàng lọc nguy cơ sinh non. Kỹ thuật đặt vòng nâng cổ tử cung hoặc khâu cổ tử cung sẽ được bác sĩ chỉ định khi cần thiết để bảo vệ thai. Đây cũng là thời điểm mẹ bầu được siêu âm hình thái học tầm soát dị tật nhiều hệ cơ quan của thai nhi, trong đó có khảo sát chi tiết cấu trúc tim và não thai nhi. Hệ thống máy siêu âm thế hệ mới cho kết quả chính xác các thông số sức khỏe mẹ và bé, sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường, có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời, hiệu quả.
3 tháng cuối thai kỳ
Đối với các mẹ bầu mang thai IVF, việc bảo vệ thai kỳ, ngăn nguy cơ sinh non ở 3 tháng cuối thai kỳ vô cùng quan trọng. Các thai phụ có tiền sử hoặc nguy cơ sinh non, mang đa thai... sẽ được hỗ trợ tiêm trưởng thành phổi thai nhi. Ngoài ra, mẹ đượctầm soát đái tháo đường thai kỳ, tiêm phòng uốn ván. Càng gần về cuối thai kỳ, thai phụ được đo biểu đồ tim thai và cơn gò tử cung để đánh giá sức khỏe thai nhi và ghi nhận dấu hiệu chuyển dạ. Các bác sĩ đánh giá sức khỏe thai phụ để lên kế hoạch cho sản phụ sinh thường hoặc sinh mổ chủ động.

Thai phụ mang thai IVF sinh non 26 tuần, được Trung tâm Sơ sinh can thiệp, nuôi dưỡng. Ảnh: Tuệ Diễm.
Bác sĩ Bình Lụa khuyến cáo, ngoài tuân thủ khám thai đều đặn, mẹ bầu IVF cần duy trì cân nặng ổn định khi mang thai, từ bỏ những thói quen sinh hoạt không tốt như tiêu thụ đồ uống có cồn, thức khuya, rối loạn lo âu, làm việc quá sức...Nếu thấy bản thân có các biểu hiện bất thường như cúm nhẹ, phát ban, sốt... hoặc đau bụng, xuất huyết âm đạo cần đi bệnh viện kiểm ngay để được bác sĩ thăm khám sớm, bảo vệ sức khỏe mẹ và thai.
Tuệ Diễm