Bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê, Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cay mắt nhìn bệnh nhân của mình, khi đứng trước cửa tử cô vẫn không quên giấc mơ làm mẹ. "Gái chửa cửa mả", những biến chứng sản khoa luôn xuất hiện và áp lực của bác sĩ là quá lớn khi có nhiệm vụ đóng cửa tử, mở cửa sinh cho người mẹ. Điều này càng đặc biệt hơn với những phụ nữ mang thai IVF, từng nhiều năm mong con như Lành.
Câu chuyện đã xảy ra hơn một năm nhưng vẫn được bác sĩ Hiền Lê nhắc lại mỗi khi nói về khát khao làm mẹ của những người phụ nữ hiếm muộn.
![Chị Lành bên con gái mới chào đời. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/02/dsc09347-da-chinh-jpg-16673570-5805-2153-1667363064.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LDo_xolPmrA8_kZjs9ypGQ)
Chị Lành bên con gái mới chào đời. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Thai phụ Nguyễn Thị Lành (Hà Nội) từng 5 năm chạy chữa tìm con ở hầu hết tất cả những bệnh viện lớn phía Bắc và cuối cùng gửi gắm niềm tin cuối cùng ở BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Lành trải qua nhiều cuộc phẫu thuật từ mổ thông tắc vòi trứng, cắt một bên vòi trứng do thai IVF ngoài tử cung, mổ u xơ trước khi chuyển phôi kế tiếp. Do đó, bác sĩ Lê thấu hiểu Lành đã phải vất vả như thế nào để có được đứa con này.
Khi nhập viện tại BVĐK Tâm Anh năm ngoái, thai phụ ở trong tình trạng nguy kịch, bị xuất huyết ồ ạt, đau bụng dữ dội, kiệt sức, mạch đập và hơi thở yếu, huyết áp giảm sâu chỉ còn 60/40 do mất máu quá nhiều. Khám và siêu âm tại phòng cấp cứu sản khoa, bác sĩ chẩn đoán thai phụ bị vỡ tử cung ở tuần thai thứ 18, tiên lượng rất xấu cho cả mẹ và con.
Phương pháp an toàn nhất, là hy sinh thai nhi, khâu phục hồi tử cung hoặc cắt bỏ tử cung nhanh chóng. Sản phụ sẽ khó có con, thậm chí vĩnh viễn mất đi cơ hội làm mẹ. Tuy nhiên, khi Lành được chuyển vào phòng phẫu thuật, nghe thấy lời khẩn cầu yếu ớt: "Cố cứu con cháu, đau bao nhiêu cháu cũng chịu được", bác sĩ Lê trào nước mắt.
"Cô ấy đứng trước cửa tử rồi mà vẫn không chịu nghĩ cho bản thân, vẫn chỉ muốn cứu con nên tôi quyết tâm phải cố gắng hết sức để cứu được cả mẹ và con. Mang lại sự sống cho Lành là chưa đủ, khi đứa con là tất cả hy vọng và tâm huyết của người mẹ. Lành cần được hưởng hạnh phúc làm mẹ!", bác sĩ Lê nhớ lại.
![Giọt nước mắt của người mẹ trước ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/02/C0173T01-6366-1667363064.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sLO1DYyNGi8a-DgDgkppGw)
Giọt nước mắt của người mẹ trước ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Thực tế khi mổ, tình trạng của Lành xấu hơn dự đoán. Ngay khi rạch ổ bụng, bác sĩ Hiền Lê phát hiện tử cung của thai phụ bị rách tới 10 cm, xuất huyết ồ ạt tới hơn 2,5l máu trong ổ bụng, khối thai và nhau thai đã bị đẩy một phần ra khỏi tử cung và nằm trong ổ bụng người mẹ. Tính mạng người mẹ đang bị đe dọa, dấu hiệu sự sống của thai nhi cũng rất thấp.
Trước khao khát làm mẹ quá lớn của thai phụ và gia đình, bác sĩ không quyết định cắt tử cung cứu mẹ như thông thường, mà chấp nhận mạo hiểm bằng kỹ thuật y học bào thai chưa từng được áp dụng ở Việt Nam: mổ mở tử cung, đưa thai vào lại tử cung và khâu phục hồi để cứu cả mẹ và con. Bác sĩ Hiền Lê là người đưa y học bào thai về Việt Nam, từng xử lý thành công nhiều ca truyền máu song thai trước đó và phương pháp này là cách duy nhất có thể cứu được cả mẹ và con Lành.
Bác sĩ Lê cùng ekip nhanh chóng làm sạch dịch trong ổ bụng. Thai nhi 18 tuần chỉ nặng 200 gram cùng nhau thai được đưa vào tử cung mà không làm ảnh hưởng đến bánh nhau còn lại. Bác sĩ tỉ mỉ xử lý khâu lại vết rách đế "vá" tử cung thiết lập lại vành đai bảo vệ cho thai nhi.
![ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê thực hiện vá tử cung, cứu thai nhi 18 tuần. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/02/lanh1-7097-1667363064.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ljf5ncCMQgOAqWsD8rBYgA)
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê thực hiện vá tử cung, cứu thai nhi 18 tuần. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Cuộc phẫu thuật căng thẳng cuối cùng diễn ra thành công, thai phụ không những giữ được tử cung mà sự sống của hai mẹ con được bảo toàn trọn vẹn. Thành công của cuộc phẫu thuật chưa từng có tiền lệ này sau đó đã được Tạp chí Sản phụ khoa của Mỹ ghi nhận.
Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là khó khăn cuối cùng, bởi thai nhi mới chỉ 18 tuần, còn rất nhiều nhiều nguy cơ tiềm ẩn ở thời gian phía trước. Ở tuần thai 21, sản phụ bị rỉ ối, đối diện nguy cơ biến chứng thiểu ối, vỡ ối, sinh non. Bác sĩ Lê nhận thấy tử cung bóp chặt, em bé có nguy cơ không phát triển, biến dạng, khả năng nhiễm trùng cao.
"Điều tôi lo lắng là hành trình này có thể thất bại sau bao nhiêu nỗ lực. Tuy nhiên, tôi không nói cho thai phụ biết những nguy cơ này. Tôi biết mình là chỗ dựa về tinh thần cho bệnh nhân. Người mẹ còn hy vọng, thai nhi còn cơ hội sống", bác sĩ Hiền Lê kể lại.
Một mặt đưa ra phác đồ điều trị nội khoa tốt nhất để giữ em bé, một mặt bác sĩ Lê vẫn động viên bệnh nhân mọi thứ đang ổn, không có nguy cơ nào được tiết lộ. Điều kỳ diệu xảy ra khi thai nhi đi được tới 32 tuần để có thể mổ chủ động, cơ hội sống của đứa trẻ lúc ra đời đã tăng lên rất nhiều. Bé gái sinh non chỉ nặng 1,9 kg và được chuyển sang khoa Sơ sinh chăm sóc tích cực cho đến lúc cứng cáp thì được xuất viện về nhà.
"Theo tôi, liệu pháp tâm lý chiếm 80% sự thành công trong trường hợp này", bác sĩ Hiền Lê nói.
![Vợ chồng chị Lành bên con gái kháu khỉnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/02/lanh-3242-1667363064.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vDNYsldBioDtsY6MSZFgMA)
Vợ chồng chị Lành bên con gái kháu khỉnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hơn một năm sau những ngày căng thẳng ấy, hạnh phúc ngập tràn tiếng cười của trẻ nhỏ trong ngôi nhà của Lành ở Tứ Hiệp, Thanh Trì. Thai nhi được tạo ra từ IVF và được cứu trong ca vỡ tử cung 18 tuần năm trước giờ đã là bé gái 1 tuổi xinh xắn.
"Đến bây giờ ngắm nhìn con, đôi lúc tôi vẫn nghĩ rằng hành trình đã qua như một giấc mơ. Hạnh phúc này là thật và lòng biết ơn với các bác sĩ trong tôi luôn hiện hữu. Không có họ giấc mơ làm mẹ của tôi có lẽ mãi chỉ là giấc mơ", người phụ nữ chia sẻ.
Thanh Ba