Suy giảm hoặc mất thính lực thường xảy ra do quá trình lão hóa ở người cao tuổi, chấn thương hoặc các bệnh lý về tai. Nhưng đôi khi, một số loại ung thư cũng có thể gây ra các triệu chứng này.
Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng thường di căn hạch cổ gây cảm giác đầy hoặc đau trong tai và có thể bị mất thính lực. Quá trình tắc nghẽn kéo dài ở mũi hoặc ở vòi tai có thể gây ra cảm giác đầy hoặc đau trong tai và suy giảm thính lực, nhất là ở một bên tai. Người bệnh còn gặp phải triệu chứng sưng nề ở mặt, chảy mủ tai, chảy máu mũi và nổi hạch bạch huyết. Người bệnh còn có thể bị liệt một phần mặt hoặc sụp mi, lác mắt.
Ung thư dạ dày
TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, mất thính lực hai bên đột ngột như biểu hiện của ung thư dạ dày là rất hiếm. Vì vậy, gần như không ai nghĩ rằng triệu chứng này có liên quan đến ung thư dạ dày.
Bác sĩ Khiêm giải thích, nguyên nhân có thể do đột biến gene DFNA5 do virus herpesvirus 4 (EBV) gây ra. Đột biến gene này có thể dẫn đến quá trình chết nhanh chóng của các tế bào biệt hóa ở giai đoạn cuối như tế bào lông ốc tai. Điếc hai bên tai trở thành triệu chứng ở một số bệnh nhân ung thư dạ dày. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gene DFNA5 bất hoạt trong cả mô ung thư dạ dày và di căn tiểu não. Nếu tình trạng điếc đột ngột xảy ra, bạn nên thăm khám kiểm tra dạ dày để phát hiện bệnh (nếu có) và can thiệp kịp thời.
U nguyên bào tủy
Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, u nguyên bào tủy là u não độ IV. Bệnh chiếm 1,1% tổng số các khối u nguyên phát của hệ thần kinh trung ương ở mọi lứa tuổi và 11,9% ở thanh thiếu niên dưới 15 tuổi.
Các biểu hiện phổ biến nhất của u nguyên bào tủy thường liên quan đến tăng áp lực nội sọ, chẳng hạn như phù gai thị, nhức đầu hoặc liên quan đến rối loạn chức năng tiểu não (rối loạn thăng bằng, mất điều hòa chân tay).
Mất thính lực đột ngột được định nghĩa là mất thính lực từ 30 dB trở lên trong ít nhất ba tần số đo thính lực liền nhau xảy ra trong vòng 3 ngày hoặc ít hơn. Mất thính lực đột ngột một bên cũng có thể là triệu chứng ban đầu của loại u não này. Bác sĩ Khiêm chia sẻ, mặc dù tình trạng này có thể hiếm gặp, nhưng khối u não nội sọ có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây mất thính lực đột ngột. Nguyên nhân này có thể dễ bị bỏ sót dẫn đến chậm điều trị.
![Người mắc bệnh ung thư có thể có triệu chứng suy giảm hoặc mất thính lực. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/10/24/-1919-1666580182.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8ZNx9BGnTVYkPhu5OThJcA)
Người mắc bệnh ung thư có thể có triệu chứng suy giảm hoặc mất thính lực. Ảnh: Freepik
Ung thư tai
Ung thư tai thường bắt đầu như ung thư da ở tai ngoài hoặc trong ống tai. Nhưng bệnh cũng có thể phát triển trong các cấu trúc khác của tai như màng nhĩ, xương thái dương, xương ốc tai, xương chũm, dây thần kinh vận động trên khuôn mặt và các cơ quan thính giác, thăng bằng của tai trong. Suy giảm thính lực và điếc là triệu chứng điển hình nhất của ung thư tai. Người bệnh cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác như đau tai, chảy dịch, chảy máu tai, da tai thô ráp, lở loét, sưng phồng...
Theo bác sĩ Khiêm, điếc hoặc suy giảm thính lực có thể là triệu chứng đặc hiệu hoặc không thường xuyên ở bốn loại ung thư kể trên và nhiều bệnh lý khác cũng có thể cùng biểu hiện. Do đó, rất khó để có thể xác định bệnh nếu không được thăm khám chuyên khoa và thực hiện các kiểm tra tầm soát. Khi xuất hiện các triệu chứng ù tai, đau tai, nghe kém, da tai bất thường, đau đầu, liệt mặt, sụp mi, lác mắt... bạn nên tới bệnh viện có chuyên khoa Ung bướu, Tai Mũi Họng, Thần kinh, Tiêu hóa để được thăm khám, tầm soát, phát hiện bệnh sớm.
Nguyên Phương