Theo Tổ chức Giấc ngủ Mỹ (Sleep Foundation), cơ thể con người hoạt động dựa trên nhịp sinh học để kiểm soát chu trình thức - ngủ. Vào ban đêm, cơ thể phản ứng với bóng tối bằng cách giải phóng melatonin, một loại hormone báo hiệu rằng đã đến lúc đi ngủ. Nếu sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ sẽ làm cho nhịp sinh học bị đảo lộn. Bộ não vốn rất nhạy cảm với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, ra tín hiệu làm chậm quá trình sản xuất melatonin khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ, lâu dần có thể dẫn đến chứng khó ngủ, ngủ trễ hoặc mất ngủ.
Nghiên cứu được công bố trên Thư viện Y học quốc gia Mỹ cũng cho thấy, ánh sáng xanh có thể làm giảm thời gian cơ thể trải qua 2 giai đoạn quan trọng của giấc ngủ là giấc ngủ sóng chậm (slow-wave) và giấc ngủ chuyển động nhanh (rapid eye movement). Hai giai đoạn ngủ này có vai trò quan trọng giúp củng cố ký ức và điều chỉnh tâm trạng.
Mắt trẻ em nhạy cảm với ánh sáng xanh nhiều hơn so với người lớn nên càng dễ gây gián đoạn giấc ngủ, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
Việc sử dụng các thiết bị di động quá nhiều vào buổi tối cũng gây hại cho trí nhớ, mặc dù những tác động không rõ ràng và nhanh chóng như mất ngủ, nhưng lại diễn ra âm thầm, liên tục có thể khiến cho trí nhớ bị "ăn mòn" theo thời gian.
Lý do là khi giấc ngủ bị gián đoạn, não bộ không được nghỉ ngơi, lâu dần gây tổn thương dây thần kinh, ảnh hưởng xấu đến chức năng hoạt động của não, trong đó có trí nhớ. Thêm vào đó, việc 2 giai đoạn quan trọng của giấc ngủ là giấc ngủ sóng chậm và giấc ngủ chuyển động nhanh bị gián đoạn gây nên khả năng lưu giữ ký ức bị suy giảm.
Lướt điện thoại khiến cho cách tiếp cận thông tin trở nên nhanh chóng, thoáng qua và không lưu lại quá lâu trong trí nhớ. Cùng với tính phổ biến của các ứng dụng hỗ trợ lưu trữ, tìm kiếm khiến cho não bộ ngày càng lười ghi nhớ, lười đào sâu suy nghĩ, lâu dần làm trí nhớ giảm sút.
Theo một nghiên cứu được thực hiện trên 2.000 người tại Anh, có đến 25% số người được hỏi không nhớ số điện thoại của chính mình và có đến 83% trường hợp không nhớ được số điện thoại của vợ hoặc chồng.
Cách tăng cường trí nhớ, cải thiện mất ngủ
Thay vì "dán mắt" trên màn hình, bạn nên chuyển sang các hình thức giải trí khác trước khi đi ngủ nhằm hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh như có thể đọc sách, nghe nhạc, thực hành thiền hoặc chỉ đơn giản là ngồi thư giãn. Bạn có thể tắt kết nối internet để không còn bị cám dỗ bởi các thiết bị di động.
Xây dựng thời gian đi ngủ và thức dậy cùng một khung giờ giúp cơ thể quen với nhịp điệu thức - ngủ. Nhiều người chia sẻ rằng họ không thể ngủ trước 12h đêm do thức khuya lâu ngày đã thành thói quen. Tuy nhiên, để thiết lập một thói quen mới cần thời gian và sự kiên trì. Có một cách khá hiệu quả là nên tập dậy sớm trước, từ đó, cơ thể sẽ điều chỉnh thời gian đi ngủ sao cho phù hợp.
Thói quen ăn uống cũng góp phần quan trọng để có giấc ngủ tốt và trí nhớ tốt. Mọi người nên các loại thực phẩm giàu các dưỡng chất tốt cho sức khỏe não bộ như cá giàu chất béo (cá hồi, cá trích, cá mòi), các loại quả hạch (quả óc chó, hạnh nhân), hạt bí, bông cải xanh, trái việt quất... Các loại thức uống chứa cồn hay chất kích thích nên tránh dùng gần giờ ngủ. Tập luyện đều đặn cũng là cách giúp cơ thể giải phóng năng lượng, đi vào giấc ngủ tốt hơn, giúp tuần hoàn máu lên não tốt hơn và có lợi cho trí não.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu (Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), một số thảo dược, dưỡng chất có lợi cho não bộ, giúp hạn chế sự tấn công của các gốc tự do, cải thiện giấc ngủ như blueberry, ginkgo biloba... Tinh chất blueberry có khả năng kích hoạt enzyme bảo vệ não là catalase và superoxide dismutase, góp phần chống gốc tự do và tăng cường sức khỏe trí não. Blueberry còn có chứa các hoạt chất anthocyanin, pterostilbene giúp hỗ trợ tăng cường kết nối thần kinh, góp phần cải thiện mất ngủ.
Chỉ cần thay đổi thói quen ngủ nghỉ và chăm sóc trí não đúng cách, mỗi người có thể có giấc ngủ chất lượng hơn, sự minh mẫn và nâng cao khả năng ghi nhớ.
Giang Lê