Mất ngủ diễn ra trong thời gian ngắn được gọi là mất ngủ cấp tính. Mất ngủ mạn tính kéo dài ít nhất ba đêm một tuần trong ba tháng trở lên.
Mất ngủ với biểu hiện như khó đi vào giấc ngủ; khó ngủ duy trì giấc ngủ suốt đêm hoặc thức dậy quá sớm; ngủ nhiều nhưng cảm thấy không đủ kèm theo dấu hiệu ngủ gật, mệt mỏi vào ban ngày.
Phân loại
Có hai loại mất ngủ gồm nguyên phát và thứ phát.
- Mất ngủ nguyên phát xảy ra do cơ địa, không liên quan đến bất kỳ tình trạng hoặc vấn đề sức khỏe nào khác.
- Mất ngủ thứ phát là tình trạng khó ngủ do ảnh hưởng của các tình trạng sức khỏe, bệnh lý.
Nguyên nhân
Mất ngủ ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới và người già nhiều hơn người trẻ.
Nguyên nhân chính gây mất ngủ bao gồm:
- Căng thẳng liên quan đến các sự kiện lớn trong đời, như mất việc hoặc thay đổi công việc, cái chết của người thân, ly hôn, chuyển chỗ ở.
- Những thứ xung quanh như tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ.
- Thay đổi trong lịch trình giấc ngủ như lệch múi giờ, thay đổi ca làm việc.
- Xu hướng mất ngủ có thể di truyền (gene) trong gia đình.
Nguyên nhân thứ phát gây mất ngủ bao gồm:
- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng.
- Thuốc trị cảm lạnh, dị ứng, trầm cảm, huyết áp cao và thuốc hen suyễn.
- Đau hoặc khó chịu vào ban đêm.
- Sử dụng caffeine, thuốc lá, rượu bia.
- Bệnh cường giáp và các vấn đề nội tiết khác.
- Các rối loạn giấc ngủ khác như ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên.
- Thai kỳ.
- Bệnh Alzheimer và các loại bệnh mất trí nhớ khác.
- Tăng động giảm chú ý.
Triệu chứng
Các triệu chứng mất ngủ bao gồm:
- Buồn ngủ vào ban ngày.
- Mệt mỏi.
- Gắt gỏng.
- Vấn đề về sự tập trung hoặc trí nhớ.
Chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ hỏi về bệnh sử và lịch sử giấc ngủ của người bệnh. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh ghi nhật ký giấc ngủ trong một hoặc hai tuần, theo dõi các kiểu ngủ và cảm giác trong ngày.
Người bệnh có thể được chỉ định đo đa ký giấc ngủ, chứng ngưng thở khi ngủ cũng như xem xét các bệnh lý liên quan, một số loại thuốc đang sử dụng có thể gây mất ngủ.
Mất ngủ cấp tính có thể không cần điều trị. Bác sĩ có thể kê thuốc ngủ trong thời gian ngắn nếu tình trạng mất ngủ cấp tính ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Không sử dụng thuốc ngủ không kê đơn để điều trị chứng mất ngủ. Người bệnh có thể gặp tác dụng phụ, nguy cơ lờn thuốc, khiến tình trạng nặng hơn.
Người bị mất ngủ mạn tính cần điều trị các bệnh lý đang gặp phải, đồng thời thay đổi lối sống, sinh hoạt.
Biến chứng
Cơ thể và bộ não cần ngủ để có thể tự phục hồi, giúp tỉnh táo, tập trung vào ngày hôm sau. Giấc ngủ cũng quan trọng với việc học tập, lưu giữ kỷ niệm.
Mất ngủ kéo dài và không được can thiệp kịp thời dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, béo phì, trầm cảm, nguy cơ ngã ở người lớn tuổi, lo lắng, thiếu tập trung, phản ứng chậm...
Phòng ngừa mất ngủ
Thói quen ngủ tốt, còn gọi là vệ sinh giấc ngủ, có thể cải thiện mất ngủ.
Dưới đây là một số mẹo giúp ngủ ngon hơn mỗi ngày.
- Đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng.
- Cố gắng không ngủ trưa vào ban ngày vì có thể giảm buồn ngủ vào ban đêm.
- Không sử dụng điện thoại hoặc sách điện tử trước khi đi ngủ để hạn chế ánh sáng xanh.
- Tránh chất caffeine, nicotin và rượu vào cuối ngày.
- Tập thể dục thường xuyên và tập ít nhất 3-4 giờ trước khi đi ngủ.
- Không ăn quá no vào buổi tối.
- Tạo phòng ngủ thoải mái: tối, yên tĩnh, không quá ấm hoặc quá lạnh.
- Thư giãn trước khi đi ngủ bằng cách đọc sách, nghe nhạc, tắm nước ấm.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |