Vết thương ở bàn chân trái của bà Thiện vài tuần nay không lành, lở loét, nhiễm trùng. Ngày 18/12, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vết thương ở chân trái nhiễm trùng lan rộng, nghi ngờ biến chứng tiểu đường, gây tổn thương dây thần kinh ở bàn chân, người bệnh mất cảm giác đau.
Bác sĩ siêu âm, chụp CT, phát hiện người bệnh xơ vữa động mạch chủ nặng, kéo dài từ bụng xuống động mạch chậu, động mạch đùi và động mạch hai chi dưới. Các mảng xơ vữa đóng vôi cứng gây hẹp rải rác, bít tắc gần hết động mạch chủ bụng dưới thận (hẹp trên 70%). Đây là nguyên nhân chính khiến lưu lượng máu đến nuôi chân giảm, vết thương khó lành, gây nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Dũng, trường hợp vôi hóa động mạch chủ nặng như bà Thiện, nếu nong và đặt stent lưới như thông thường, máu thoát ra theo những khe lưới làm vỡ mạch máu, đe dọa tính mạng. Để đảm bảo an toàn, ê kíp chọn loại stent thế hệ mới covered stent (stent có màng bọc bên ngoài). Màng bọc này được làm bằng vật liệu nhân tạo, ngăn không cho máu thoát ra ngoài.
Bác sĩ đặt một covered stent hình chữ Y kéo dài từ động mạch chủ xuống hai động mạch chậu. Màng bọc bên ngoài covered stent trở thành "tấm khiên" ngăn máu chảy ra ngoài. Đoạn mạch tắc hẹp được tái thông, giúp máu lưu thông dễ dàng.
Một tuần sau, bác sĩ thực hiện ca thủ thuật thứ hai bằng phương pháp Hybrid - mổ mở kết hợp nong mạch để cải thiện tình trạng hẹp động mạch đùi trái cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, mở một đường mổ nhỏ 5-7 cm ở bẹn. Nhờ đó, ê kíp dễ dàng tạo hình động mạch đùi chung - đùi nông - đùi sâu trái bằng miếng màng tim nhân tạo. Sau đó, bác sĩ nong động mạch đùi nông trái bằng bóng. Sau hai giờ, thủ thuật kết thúc, kết quả chụp kiểm tra cho thấy dòng máu động mạch đùi nông thông tốt.
Bệnh nhân hồi phục nhanh, vết thương hết nhiễm trùng, vùng da bàn chân hồng hào nhờ nhận đủ máu nuôi.
Động mạch đùi có nhiệm vụ cung cấp máu cho hai chi dưới. Khi các mảng xơ vữa tích tụ hoặc cục máu đông hình thành trong lòng động mạch đùi thu hẹp lòng mạch gây tắc nghẽn, khiến lưu lượng máu đi qua đây giảm hoặc cắt đứt hoàn toàn. Lúc này, người bệnh xuất hiện triệu chứng đau cách hồi, tê chân, đau nhức chân, chân chuyển màu xanh tím.
Bệnh nhân có thêm bệnh nền tiểu đường khiến vết thương ở chân sẽ khó lành do thiếu máu nuôi, lâu ngày nhiễm trùng, lở loét. Người bệnh có nguy cơ cắt bỏ ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân.
Bác sĩ Dũng cho biết tắc động mạch đùi là bệnh mạch máu ngoại biên phổ biến, tỷ lệ 2-4% ở nhóm tuổi 50-59, 5-7% ở nhóm tuổi 60-69, 9-11% ở nhóm tuổi 70-79 và 20-26% khi trên 80 tuổi. Người có tiền sử bệnh mạch vành, tiểu đường như bà Thiện có nguy cơ mắc cao hơn.
Để phòng ngừa bệnh động mạch ngoại biên, bác sĩ khuyến cáo mỗi người nên duy trì lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, kiểm soát lượng đường trong máu, ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa, duy trì cân nặng trong giới hạn cho phép (BMI dưới 23), tập thể dục, kiểm soát chỉ số huyết áp và cholesterol.
Người bệnh tiểu đường kèm bệnh động mạch ngoại biên cần khám định kỳ, chăm sóc kỹ đôi chân, tránh bị thương dẫn tới nhiễm trùng, hoại tử. Người bệnh nên mang giày vừa vặn, thoải mái; giữ bàn chân sạch sẽ và dưỡng ẩm thường xuyên (không làm ẩm vùng có vết loét hở); cắt móng chân đúng cách để tránh móng quặp.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |