Trả lời:
Sụt cân trong ba tháng đầu thai kỳ do nôn nghén rất phổ biến, song khiến nhiều thai phụ lo lắng. Nguyên nhân có thể do hormone hCG tăng cao gây ra triệu chứng buồn nôn và nôn mửa. Điều này có thể khiến thai phụ ăn uống kém hơn, khó hấp thu dinh dưỡng dẫn đến sụt cân.
Trường hợp của bạn sụt 2 kg ở ba tháng đầu do nôn nghén, sau đó tăng trở lại, cân nặng hiện tại so với trước khi mang thai tương đương nhau, chứng tỏ cơ thể đang có xu hướng tăng cân. Điều quan trọng là bạn cảm thấy có thật sự khỏe hay không.
Nếu siêu âm cho thấy thai nhi phát triển tốt, cân nặng chuẩn, nước ối, bánh nhau đang phát triển bình thường thì bạn tiếp tục duy trì chế độ ăn uống hiện tại. Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa một ngày, giúp dạ dày không bị quá no hoặc quá đói, giảm cảm giác buồn nôn.
Chọn các thực phẩm dễ tiêu, ăn nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung thêm các vitamin trong thai kỳ để đảm bảo tăng cân. Tránh các thực phẩm có mùi tanh, nồng vì có thể kích thích cơn buồn nôn. Uống đủ nước có thể bổ sung nước gừng, chanh để tránh mất nước do nôn mửa.

Thai phụ nên chia nhỏ bữa ăn để giảm cảm giác nghén. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Mệt mỏi có thể khiến nghén nặng hơn nên cần ngủ đủ giấc, có thời gian nghỉ ngơi trong ngày để giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng. Tăng cân đủ trong thai kỳ rất quan trọng cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Cân nặng của mẹ có liên quan đến cân nặng của bé khi sinh. Mẹ tăng cân không đủ có thể dẫn đến nguy cơ thai nhi chậm phát triển trong tử cung, sinh non hoặc nhẹ cân.
Trong trường hợp này, bạn nên tuân thủ khám thai định kỳ theo lịch khám, có thể tham vấn ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để lên kế hoạch ăn uống, sinh hoạt hợp lý nhất.
TS.BS Nguyễn Hoàng Long
Đơn vị Y học bào thai
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |