Hai bé nặng lần lượt 2 kg và 2,1 kg, sức khỏe ba mẹ con ổn định, xuất viện vào ngày 5/2.
Vợ chồng chị Hạnh kết hôn 10 năm nhưng chưa có con. Đầu năm 2019, chị đi khám sức khỏe phát hiện u giáp ác tính kích thước 1 cm. Chị được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, không cần hóa hay xạ trị, chỉ uống thuốc hormone thay thế. Sau mổ, chị tìm cách chạy chữa để sinh con, thực hiện thụ tinh ống nghiệm, 4 lần chuyển phôi đều thất bại. Tháng 5/2024, chị bất ngờ mang song thai tự nhiên.
ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Hạnh mang song thai cùng trứng, hai thai chung một bánh nhau nhưng ở hai túi ối riêng biệt. Thai kỳ có nhiều rủi ro, đặc biệt là hội chứng truyền máu song thai. "Điều trị ung thư thường làm giảm khả năng sinh sản, mang thai đôi tự nhiên như chị Hạnh hiếm gặp", bác sĩ Khoa nói, thêm rằng bệnh sử của chị Hạnh có thể dễ gây các biến chứng trong thai kỳ như sẩy thai, sinh non, thai nhẹ cân, dị tật thai. Mẹ cần uống hormone tuyến giáp sau điều trị cắt ung thư tuyến giáp. Khi có thai, liều lượng thuốc cần có sự điều chỉnh sao cho không thiếu hormone giáp qua thai. Nếu thai bị thiếu hormone giáp có thể dẫn đến thai kém phát triển trí tuệ.
Khi thai được 24 tuần, chị Hạnh bị tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ theo dõi đường huyết, điều chỉnh liều insulin liên tục, sức khỏe chị và thai nhi ổn định. Sau đó, hai thai nhi có dấu hiệu chậm phát triển trong tử cung ở tuần 32, chị được chỉ định sinh mổ chủ động ở tuần 36.
![Êkíp mổ lấy thai cho chị Hạnh. Ảnh: Tuệ Diễm](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/image001-1739268842-8148-1739269501.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8bSmQWoNQHQUbJKdJQlCDg)
Êkíp mổ lấy thai cho chị Hạnh. Ảnh: Tuệ Diễm
Bác sĩ Khoa cho biết phụ nữ bị ung thư vẫn có thể sinh con tự nhiên, khỏe mạnh, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi có ý định mang thai. Sau điều trị ung thư tuyến giáp, cần chờ ít nhất 6-12 tháng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe sinh sản.
Ung thư tuyến giáp phát sinh từ các tế bào nhu mô tuyến giáp, có xu hướng tăng trên toàn cầu, xảy ra ở cả hai giới. So với ung thư gan, phổi, dạ dày, đại tràng, vú..., ung thư tuyến giáp phát triển chậm, ít di căn hơn, theo bác sĩ Khoa. Triệu chứng bệnh trong giai đoạn đầu không rõ ràng, phần lớn tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh có các dấu hiệu như nhìn hoặc sờ thấy khối u vùng cổ trước, đau vùng cổ trước, nổi hạch cổ, khàn giọng, thay đổi giọng nói, khó nuốt, khó thở.
Tuệ Diễm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |