Những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới do điều trị ung thư bao gồm: tuổi tác; mãn kinh sớm; liều lượng thuốc hoặc thời gian điều trị. Phụ nữ khi điều trị ung thư có thể phải cắt bỏ các cơ quan sinh sản như buồng trứng hay tử cung; bị tổn thương dây thần kinh, ngăn cản các hormone liên quan đến khả năng sinh sản hoặc thụ thai. Một số liệu pháp điều trị ung thư có thể dẫn đến các vấn đề về sinh sản hoặc gây vô sinh.
Phẫu thuật: Cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng đều gây mất khả năng sinh sản. Nhưng nếu người bệnh chỉ phẫu thuật cắt bỏ phần dưới của cổ tử cung để điều trị ung thư cổ tử cung vẫn có thể mang thai.
Nếu ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở giai đoạn đầu hoặc người bệnh mắc một loại ung thư buồng trứng được gọi là khối u tế bào mầm, có thể chỉ cần cắt bỏ một buồng trứng và bảo tồn tử cung thì vẫn có khả năng mang thai. Tuy nhiên, phẫu thuật loại bỏ các khối u gần cơ quan sinh sản có thể gây ra sẹo, ngăn cản trứng di chuyển vào buồng trứng để thụ thai.
Hóa trị: Một số loại thuốc hóa trị có thể khiến buồng trứng ngừng sản xuất estrogen hoặc giải phóng trứng, được gọi là suy buồng trứng nguyên phát (POI). Tình trạng này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Các loại thuốc kiềm hóa thường gây ra POI. Thuốc hóa trị cũng làm giảm số lượng trứng khỏe mạnh, gây mãn kinh sớm và vô sinh. Tình trạng vô sinh có nhiều khả năng xảy ra với một số loại thuốc hóa trị, đặc biệt là sử dụng ở liều cao hoặc trong các phương pháp điều trị kết hợp hay khi kết hợp với xạ trị.
Xạ trị: Bức xạ ở vùng xương chậu hoặc bụng dưới có khả năng phá hủy trứng được lưu trữ trong buồng trứng; gây sẹo và tổn thương tử cung khiến phụ nữ không thể mang thai đủ tháng, sảy thai. Bức xạ tới não của người bệnh còn có khả năng làm hỏng tuyến yên, nơi giải phóng các hormone cần thiết cho quá trình rụng trứng và gây mất khả năng sinh sản.
Liệu pháp hormone: Thuốc ngăn chặn hormone liên quan đến một số bệnh ung thư dễ gây vô sinh nhưng ở một số phụ nữ, khả năng sinh sản sẽ quay trở lại sau khi kết thúc điều trị. Tuy nhiên, một số liệu pháp hormone gây mất khả năng sinh sản vĩnh viễn hoặc gây dị tật bẩm sinh.
Thuốc điều trị ung thư nhắm đích và liệu pháp miễn dịch: Thuốc nhắm mục tiêu có thể làm hỏng buồng trứng. Các loại thuốc ức chế tyrosine kinase có khả năng gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng nếu người bệnh thụ thai trong quá trình điều trị.
Cấy ghép tủy xương hoặc tế bào gốc: Những phương pháp điều trị này liên quan đến hóa trị và xạ trị liều cao, toàn diện, có thể làm hỏng buồng trứng vĩnh viễn.
Do các tác hại của những phương pháp điều trị ung thư tới buồng trứng, tử cung nên trước khi bắt đầu quá trình chữa trị, người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa ung thư cũng như sản khoa về những vấn liên quan tới khả năng sinh sản hoặc dị tật bẩm sinh nếu đang có thai.
Một số phương pháp dưới đây có thể giúp người bệnh mang thai trong tương lai:
Đông lạnh trứng: Những người muốn sinh con và cần bảo tồn khả năng sinh sản có thể lựa chọn đông lạnh trứng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sau này. Quá trình đông lạnh trứng và phôi mất khoảng hai tuần. Đây là phương pháp rất phổ biến hiện nay.
Đông lạnh mô buồng trứng: Phương pháp này được sử dụng để bảo tồn khả năng sinh sản ở những bé gái chưa dậy thì. Bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ buồng trứng và làm đông lạnh nó. Trong tương lai, chúng có thể được rã đông và đưa trở lại khi người bệnh sẵn sàng thụ thai.
Tấm chắn buồng trứng: Tấm chắn này được đặt trên bụng dưới để bảo vệ buồng trứng khỏi bị hư hại trong quá trình xạ trị.
Ức chế buồng trứng: Bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc vào cơ thể người bệnh hàng tháng nhằm ngăn chặn các hormone kích thích buồng trứng và có thể bảo vệ trứng khỏi tác động của hóa trị. Người bệnh sẽ bắt đầu sử dụng thuốc 1-2 tuần trước khi hóa trị và tiếp tục trong suốt quá trình điều trị. Họ có thể gặp một số triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa hoặc khô âm đạo.
Phẫu thuật chuyển vị buồng trứng: Đây là kỹ thuật di chuyển buồng trứng ra khỏi bức xạ chiếu vào các khối u gần đó. Bác sĩ sẽ thực hiện bằng phẫu thuật nội soi để bảo vệ buồng trứng, giúp người bệnh vẫn có khả năng thụ thai sau này.
Liệu pháp chủ vận hormone giải phóng Gonadotropin (GnRHa): Phương này này giúp ngăn cơ thể của người phụ nữ tạo ra estrogen và progesterone, bảo vệ buồng trứng trong quá trình điều trị ung thư.
Như Ý (Theo WebMD)