Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), chỉ số đường huyết trong thai kỳ an toàn là lúc đói ≤5,1 mmol/l, sau khi ăn một giờ ≤10 mmol/l và sau khi ăn hai giờ ≤8,5 mmol/l. Với chị Lan, các chỉ số đều cao hơn 15 mmol/l, cân nặng vào tuần thai 28 tăng 18 kg so với trước mang thai do tiểu đường thai kỳ.
Ngày 17/12, BS.CKII Huỳnh Kim Khoe, Trưởng đơn vị Sản Phụ khoa, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, giải thích nhau thai cung cấp dinh dưỡng, tiết ra hormone giúp thai nhi phát triển. Một vài hormone trong số này khiến cơ thể thai phụ khó sản xuất hoặc sử dụng insulin hơn, còn gọi là kháng insulin. Để giữ lượng đường trong máu ổn định, tuyến tụy của thai phụ phải tạo ra insulin gấp ba lần. Trong trường hợp tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin, lượng đường trong máu thai phụ tăng lên gây tiểu đường thai kỳ. Lúc này thai nhận dinh dưỡng từ người mẹ cũng tăng đường huyết, có thể tăng lượng nước tiểu của thai, dẫn đến dư thừa nước ối.
"Tiểu đường thai kỳ có thể do rối loạn chuyển hóa, thai phụ thừa cân, béo phì, ăn uống thiếu khoa học cũng tăng nguy cơ mắc bệnh", bác sĩ Kim Khoe cho biết, thêm rằng tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến 25% thai phụ. Chị Lan bỏ qua xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ vì nghĩ đã ăn uống lành mạnh, song thực tế đã tăng cân quá nhanh, ăn uống chưa được kiểm soát.
Chị Lan được chuyển đến Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị. Bác sĩ tiêm insulin, theo dõi trong ba ngày, sau đó chị về lại Long An, hàng ngày kiểm tra đường huyết lúc đói và sau ăn. Đến tuần thai 37, đường huyết không thể kiểm soát dù được điều trị insulin liều tăng dần. Bác sĩ quyết định mổ lấy thai, bé trai chào đời nặng hơn 4 kg, theo dõi tại khoa Hồi sức sơ sinh (NICU) để ngăn chặn tình trạng hạ đường huyết sau sinh.
4 ngày sau, hai mẹ con khỏe mạnh, xuất viện. Bác sĩ Kim Khoe đánh giá chị Lan may mắn phát hiện tiểu đường thai kỳ và điều trị kịp thời, nhờ đó "mẹ tròn con vuông".
Bộ Y tế khuyến cáo thai phụ cần xét nghiệm tiểu đường thai kỳ từ tuần 24-28. Tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, thai phụ được xét nghiệm dung nạp glucose kiểm tra lượng đường trong máu, tầm soát nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Thai phụ cần nhịn ăn trong 8 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm, nếu xác định mắc bệnh, tùy theo mức độ, bác sĩ tư vấn, hỗ trợ quản lý, kiểm soát đường huyết.
Trường hợp không can thiệp, thai phụ dễ bị tăng huyết áp, tiền sản giật đe dọa tính mạng mẹ và con. Người bị tiểu đường thai kỳ tăng nguy cơ sinh non, sảy thai, mắc bệnh tiểu đường type hai sau sinh hoặc lặp lại tình trạng tiểu đường ở lần mang thai tiếp.
Với thai nhi, lượng đường cao là nguyên nhân khiến thai nhi phát triển quá nhanh, thai to (thường trên 4 kg). Thai quá lớn khiến thai phụ dễ gặp chấn thương trong lúc sinh dẫn đến liệt thần kinh cánh tay, gãy xương đòn, suy thai, ngạt.
Tuệ Diễm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai, sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |