Anh Nguyễn Hoàng Kim (43 tuổi) đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vào cuối tháng 12/2022 với biểu hiện nhìn đôi, chóng mặt, đi đứng không vững. Các bác sĩ khoa Nội Thần kinh chỉ định cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ (MRI) và điện cơ.
Kết quả cho thấy có dấu hiệu viêm xoang hang - đỉnh hốc mắt trái, dày niêm mạc và có tụ ít dịch ở một số xoang của xương sọ. Bệnh nhân có tổn thương dây thần kinh cảm giác, vận động, liệt dây thần kinh III, IV, VI hai bên, thất điều (thiếu sự kiểm soát) 1/2 người phải, mất phản xạ gân cơ tứ chi và được chẩn đoán mắc bệnh Miller Fisher.

Hình chụp MRI cho thấy dấu hiệu viêm xoang hang ở bệnh nhân (vị trí mũi tên). Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Nguyễn Phương Trang (khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, Miller Fisher là hội chứng về thần kinh hiếm gặp - biến thể của hội chứng Guillain Barre. Guillain barre có tỷ lệ mắc khoảng 1-2 ca trên 100.000 người và Miller Fisher còn ít hơn nữa. Nguyên nhân gây ra hội chứng này là đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại những protein hiện diện trên các dây thần kinh chi phối vận động, cảm giác, các chức năng trong cơ thể.
Do đó, ngoài điều trị theo kinh nghiệm, các bác sĩ phải nghiên cứu thêm các phương pháp điều trị mới trên thế giới. Bước đầu tiên là điều trị theo triệu chứng, điều trị cảm giác chân tay tê bì, hỗ trợ hô hấp nếu ảnh hưởng cơ hô hấp. Nếu bệnh diễn tiến nặng có thể cần đặt ống thở (nội khí quản), theo dõi nhịp tim, tập vật lý trị liệu. Tiếp đó, người bệnh được truyền tĩnh mạch immunoglobulins (IVIG) và/hoặc thay huyết tương. IVIG là điều trị nội khoa giúp cơ thể lấy đi những protein (kháng thể) gây tổn thương sợi thần kinh.
Bác sĩ Trang cho biết thêm, khi được điều trị thích hợp, bệnh sẽ thoái lui trong vài tuần hoặc ngắn hơn, tuy nhiên, tùy vào mức độ nghiêm trọng mà các triệu chứng đôi lúc hiện diện trong vài tháng tiếp theo. Hội chứng Miller Fisher thường lành tính và tiên lượng phục hồi tốt hơn so với Guillain Barre. Bệnh nhân đa số phục hồi hoàn toàn, chỉ số ít trường hợp yếu cơ trong vài năm tiếp theo.
Miller Fisher với tam chứng: liệt vận nhãn, thất điều, mất phản xạ gân cơ tứ chi. Hội chứng này gây yếu cơ mắt và chi thể hai bên nện bệnh nhân sẽ gặp vấn đề về đi lại và thăng bằng. Một vài người yếu từ chân đến tay và vùng mặt, một số giảm khả năng vận động tay, chân, mặt, cũng có thể gặp khó khăn khi hít thở do bệnh ảnh hưởng đến cơ hô hấp.

Người mắc bệnh Miller Fisher có nguy cơ bị yếu liệt cơ mặt và cơ chân, tay, gây khó đi đứng. Ảnh: Freepik
Hội chứng này thường xuất hiện sau một đợt nhiễm vi khuẩn hoặc virus, làm đáp ứng miễn dịch cơ thể nhầm lẫn giữa protein của sợi thần kinh và của tác nhân nhiễm trùng dẫn đến tổn thương sợi thần kinh. Những tác nhân thường gặp là nhiễm khuẩn Campylobacter jejuni (gây đau bụng và tiêu chảy), ngoài ra còn có yếu tố như nhiễm HIV, Epstein-Barr và Zika virus.
Theo bác sĩ Trang, dự phòng bệnh chính là giảm tiếp xúc với tác nhân nhiễm khuẩn như: tăng cường vệ sinh bằng cách rửa tay với nước và xà phòng thường xuyên, nhất là trước và sau khi tiếp xúc với thịt sống; nấu chín thực phẩm; dùng nguồn nước sạch; quan hệ tình dục an toàn, tránh tiêu thụ các loại sữa chưa được tiệt trùng. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch phải tuân thủ chế độ dùng thuốc để tránh nhiễm một số loại virus góp phần gây suy yếu hệ miễn dịch.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Trang Nhung