Có nhiều nguyên nhân gây ra mùi hơi thở vào buổi sáng. Song, hai nguyên nhân thường gặp nhất là khô miệng và vệ sinh răng miệng không tốt.
Khô miệng: Nước bọt giúp loại bỏ vi khuẩn gây hôi miệng. Khi ngủ, quá trình sản xuất nước bọt giảm đáng kể có thể dẫn đến mùi hơi thở khi thức dậy. Dùng một số loại thuốc có thể gây khô miệng, khiến hơi thở trở nên nặng mùi hơn vào buổi sáng. Mọi người nên uống đủ nước trong ngày để cơ thể được cung cấp đủ nước, góp phần ngăn ngừa khô miệng và hơi thở có mùi.
Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ: Miệng là nơi có rất nhiều vi khuẩn, nếu bạn không đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa thường xuyên, thức ăn có thể bị mắc kẹt lại trong các kẽ răng. Vi khuẩn trong miệng phá vỡ thức ăn, giải phóng ra mùi hơi thở. Đây là nguyên nhân rất phổ biến.
Trong nhiều trường hợp, mùi hơi thở vào buổi sáng có thể được cải thiện tại nhà bằng cách kết hợp chăm sóc răng miệng tốt hơn và thay đổi lối sống. Trong đó, vệ sinh răng miệng sạch sẽ là cách khắc phục nhanh chóng tình trạng này. Mọi người nên đánh răng trước khi đi ngủ vào ban đêm và không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì sau đó. Dùng chỉ nha khoa và sử dụng nước súc miệng sát trùng sau khi đánh răng giúp tiêu diệt thêm vi khuẩn và loại bỏ mảng bám.
Đánh răng ngay khi bạn thức dậy để loại bỏ mùi hơi thở vào buổi sáng. Bạn cũng nên dùng dụng cụ cạo lưỡi để giữ cho lưỡi luôn sạch sẽ. Kẹo cao su không đường không tạo điều kiện cho vi khuẩn đường trong miệng phát triển. Nó cũng có thể giúp kích thích tiết nước bọt và đồng thời làm hơi thở thơm mát.
Bệnh lý: Hơi thở buổi sáng còn có thể là triệu chứng của bệnh nha chu, nhất là khi thường xuyên vệ sinh răng miệng không sạch sẽ. Bệnh nha chu là hậu quả của sự lan rộng quá trình viêm khởi đầu ở nướu tới tổ chức quanh răng, làm phá hủy xương ổ răng, dây chằng nha chu và xương răng. Bệnh nha chu ảnh hưởng đến nướu, gây nhiễm trùng, dẫn đến chứng hôi miệng dai dẳng và khó chịu.
Bệnh nha chu có thể được cải thiện bằng cách cạo vôi răng, loại bỏ mảng bám ra khỏi nướu và các kẽ răng. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng, bác sĩ có đưa ra các phương pháp điều trị hoặc phẫu thuật.
Ăn một số loại thực phẩm: Ngay cả khi bạn đánh răng kỹ sau khi ăn, một số thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi sống... cũng có thể gây ra hơi thở nặng mùi vào sáng hôm sau. Người thường xuyên bị hôi miệng nên tránh thức ăn có mùi mạnh vào ban đêm, ngay cả cà phê (thậm chí là decaf) uống vào buổi chiều. Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng sẽ giúp ích cho sức khỏe tổng thể và làm giảm hơi thở vào buổi sáng.
Hút thuốc: Hút thuốc, nhất là hút thuốc lá có liên quan trực tiếp đến chứng hôi miệng. Hút thuốc có thể làm khô miệng và khiến bạn dễ mắc bệnh nướu răng hơn. Đây là những nguyên nhân dẫn đến hơi thở nặng mùi, nhất là với nam giới.
Trào ngược dạ dày: Những người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể bị hôi miệng do axit dạ dày trào ngược lên thực quản khi ngủ vào ban đêm. Đối với những người bị hôi miệng do trào ngược axit dạ dày, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm axit và người bệnh có thể uống vào ban đêm trước khi ngủ. Người bệnh cũng nên kê cao đầu khi ngủ để giảm axit trong thực quản.
Nếu bạn đã làm theo các cách trên nhưng không có tác dụng thì nên thăm khám. Các bác sĩ, nha sĩ có thể giúp bạn xác định nguyên nhân gây ra hơi thở buổi sáng và đưa ra các phương pháp lựa chọn điều trị tốt nhất.
Kim Uyên
(Theo Verywell Health)