Hơi thở có mùi có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng có thể bạn không biết bản thân gặp phải tình trạng này. Theo Eat This Not That, bạn có thể nhận biết bằng cách thè lưỡi trước gương và quan sát kỹ. Nếu bạn thấy bất kỳ mảng trắng hoặc vàng rất có thể bạn đang bị hôi miệng. Bạn cũng có thể liếm mu bàn tay và ngửi. Nếu có mùi chua hoặc hôi chứng tỏ hơi thở có mùi. Bạn cũng có thể hỏi người bạn hoặc người thân trong gia đình. Dưới đây là một số bệnh lý, thói quen kém lành mạnh nếu mắc phải có thể khiến bạn bị hôi miệng.
Vệ sinh răng miệng kém
Tiến sĩ Mitchell giải thích, hôi miệng có thể khiến bạn phiền toái và mất tự tin. Mặc dù có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra hôi miệng nhưng phổ biến nhất là do vệ sinh răng miệng kém. Các mảnh thức ăn và vi khuẩn tích tụ khiến răng và lưỡi có mùi hôi. Bạn cần xem xét lại bản thân để vệ sinh răng miệng tốt hay chưa và thay đổi theo hướng tốt hơn là cách đơn giản để ngăn ngừa hôi miệng. Bạn nên đánh răng thường xuyên, chải lưỡi để loại bỏ vi khuẩn tích tụ, dùng chỉ nha khoa và đến nha sĩ thường xuyên để kiểm tra.
Các loại thực phẩm có mùi mạnh như tỏi, hành tây, thực phẩm có đường cần tránh vì chúng có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn trong miệng, khiến hơi thở có mùi. Nếu bạn ăn những thực phẩm này nên nhớ đánh răng sau đó. Uống nhiều nước mỗi ngày giúp loại bỏ các mảnh thức ăn và vi khuẩn. Nước bọt cũng giúp giữ cho miệng của bạn ẩm và khỏe mạnh hơn.

Vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng. Ảnh: Freepik
Mắc bệnh gan
Hơi thở hôi có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn chẳng hạn bệnh gan. Gan chịu trách nhiệm về nhiều chức năng thiết yếu bao gồm lọc chất độc từ máu và sản xuất mật để hỗ trợ tiêu hóa. Bệnh gan có thể gây tích tụ độc tố trong máu, dẫn đến hôi miệng. Gan có thể không sản xuất đủ mật, dẫn đến khó tiêu và có mùi hôi trong miệng.
Áp xe amidan
Một nguyên nhân tiềm ẩn khiến hơi thở có mùi là nhiễm trùng miệng chẳng hạn áp xe amidan. Áp xe amidan là những túi mủ hình thành trong amidan và có thể gây hôi miệng do tập hợp vi khuẩn. Vi khuẩn tạo ra các hợp chất lưu huỳnh khiến hơi thở có mùi khó chịu. Áp xe amidan còn khiến người bệnh đau và khó nuốt. Nếu không được điều trị, chúng có thể bùng phát và tiết ra mủ vào cổ họng. Do đó, bạn cần đi khám nếu bạn nghĩ mình có thể bị áp xe amidan.
Hút thuốc lá
Nếu bạn hút thuốc thì hầu như sẽ gặp tình trạng hôi miệng. Bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng này. Khi bạn hút thuốc, nicotine và các chất hóa học khác trong thuốc lá sẽ dính vào răng và nướu khiến chúng bị ố vàng, tạo ra mùi khó chịu. Hút thuốc còn làm khô miệng, giảm tiết nước bọt và khiến miệng bạn không thể tự làm sạch tự nhiên. Do đó, vi khuẩn gây hôi miệng có thể phát triển mạnh, dẫn đến mùi hôi thậm chí còn nặng hơn.
Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng, sâu răng và các vấn đề sức khỏe răng miệng khác. Nếu bạn hút thuốc và lo lắng về hơi thở có mùi thì nên nói chuyện với nha sĩ về các cách giảm mùi hôi. Bỏ hút thuốc là cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe răng miệng.
Trào ngược axit
Hôi miệng là do vệ sinh răng miệng kém chẳng hạn như đánh răng và dùng chỉ nha khoa không thường xuyên. Tuy nhiên, đôi khi nguyên nhân cơ bản của hôi miệng là một mối quan tâm sức khỏe nghiêm trọng hơn như trào ngược axit mà bạn có thể không biết. Trào ngược axit xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản và nó thường đi kèm với ợ chua và có vị chua trong miệng.
Ngoài việc gây hôi miệng, trào ngược axit còn có thể dẫn đến mòn men răng và khó nuốt. Trong trường hợp này, cải thiện thói quen chăm sóc răng miệng sẽ không đủ để làm hơi thở thơm tho. Cách duy nhất để loại bỏ vấn đề là điều trị tình trạng cơ bản. Nếu bạn nghi ngờ hơi thở có mùi của mình có thể do trào ngược axit thì nên đến bác sĩ để điều trị.
Kim Uyên
(Theo Eat This Not That)