Trẻ tăng trưởng chiều cao, cân nặng, vòng đầu. Trẻ chậm tăng cân là dấu hiệu đang gặp phải vấn đề trong việc cung cấp đủ hoặc hấp thu chất dinh dưỡng chưa tối ưu.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết một trong những dấu hiệu trẻ chậm tăng cân rõ ràng nhất là cân nặng của trẻ không đạt được mức tăng trưởng sinh lý bình thường; trẻ bị sụt cân nhưng không phục hồi được cân nặng. Bên cạnh đó, bé còn có thể có những dấu hiệu như biếng ăn, nước tiểu đặc, màu đậm, tiểu ít, táo bón, rối loạn tiêu hóa, phân sống, chậm lật, lẫy, chậm đi...
Tùy theo độ tuổi mà trẻ có thể mắc phải những nguyên nhân gây chậm tăng cân khác nhau, có giải pháp can thiệp riêng. Với nguyên nhân do trẻ gặp vấn đề về cung cấp chất dinh dưỡng, bác sĩ Phương lưu ý các vấn đề sau:
Trẻ ở giai đoạn 0-6 tháng đầu: Phụ huynh cần cho trẻ uống lượng sữa đủ theo cân nặng, khoảng 120-150 ml sữa/kg cân nặng trẻ mỗi ngày. Nếu trẻ bị ốm hoặc bú không tập trung, lười bú, bỏ sữa, bố mẹ cần bón thìa, chia nhỏ cữ ăn để bổ sung lượng sữa theo nhu cầu một ngày. Chất lượng sữa cung cấp cho trẻ đảm bảo đạt chuẩn, pha đúng tỷ lệ. Thực tế, một số gia đình cho trẻ uống sữa công thức chưa phù hợp với khẩu vị, độ tuổi dẫn đến trẻ lười bú hoặc bú ít hơn so với nhu cầu.
Giai đoạn ăn dặm: Ba mẹ cần cho trẻ ăn dặm đúng cách, cung cấp đủ chất đạm, chất béo, chất bột đường các vitamin và khoáng chất. Mẹ cho trẻ ăn đa dạng, tập dần và làm quen, chế biến hợp lý, tăng dần độ thô các loại thực phẩm phù hợp với khả năng ăn nhai, tiêu hóa của trẻ.
Trẻ đi học: Gia đình cần chủ động trao đổi với nhà trường và có thể gửi thêm vào trong bữa ăn học đường sữa, thức ăn để hỗ trợ chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Tâm lý của trẻ thường căng thẳng do thay đổi môi trường chăm sóc, gia đình cần động viên để trẻ đi học vui vẻ, thích nghi với nếp sinh hoạt, bữa ăn tại nhà trường.
Phụ huynh cần cung cấp cho trẻ đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ theo tình trạng sinh lý và độ tuổi như bổ sung sắt, kẽm, vitamin D, canxi... Tuy nhiên, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng này cũng cần thận trọng. Nhiều trường hợp bổ sung không đúng cách dẫn đến trẻ biếng ăn, không hấp thu được gây biếng ăn, chậm tăng cân.
Gia đình cần lưu ý chăm sóc để trẻ có sức khỏe, hệ miễn dịch tốt nhất, để hạn chế tối đa tình trạng sụt cân và khó phục hồi cần nặng do ốm. Cụ thể, cần giữ ấm cho bé khi thời tiết giao mùa, giữ gìn vệ sinh không khí, đồ chơi, các vật dụng trong gia đình sạch sẽ, cho trẻ đi khám ngay khi trẻ có dấu hiệu bị ốm nhẹ để được điều trị kịp thời. Trẻ cần tẩy giun định kỳ, tiêm phòng đầy đủ.
Bác sĩ Trà Phương cho biết thêm, với nguyên nhân trẻ chậm tăng cân do không hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng, phụ huynh cần lưu ý chia nhỏ bữa ăn hàng ngày của trẻ, không cho trẻ ăn quá no một lần. Bé cần loại sữa phù hợp để giảm tình trạng nôn trớ; bổ sung thêm men tiêu hóa, men vi sinh, kẽm đúng liều lượng và thời gian theo tư vấn của bác sĩ.
Chậm tăng cân ở trẻ nhất là giai đoạn 5 năm đầu đời, nếu không được phát hiện, can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc, thể trạng, trí thông minh của trẻ trong tương lai. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng định kỳ để sớm phát hiện tình trạng chậm tăng cân, tìm nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp can thiệp dinh dưỡng cá thể hóa.
Kim Thư