Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Loan - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết suy dinh dưỡng nặng là tình trạng cơ thể trẻ bị thiếu hụt toàn bộ hay phần lớn các dưỡng chất cơ bản như đạm (protein), đường (glucid), béo (fat), năng lượng (calo), các vitamin và khoáng chất... Hậu quả là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, tinh thần và trí lực của trẻ. Ngoài ra, bé còn bị suy yếu hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh, nhiễm bệnh và khó hồi phục.
Dưới đây là 6 nguyên nhân phổ biến có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.
Cai sữa mẹ quá sớm: Trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc bị cai sữa mẹ quá sớm. Trẻ luôn được khuyến cáo cần bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Từ 6 tháng tuổi đến hết 24 tháng tuổi, bé nên được kết hợp đồng thời giữa bú sữa mẹ và ăn dặm các loại cháo, bột rau củ nghiền mịn hoặc cơm nát. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Thiếu sữa mẹ bé có hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc các bệnh vặt, làm tình trạng thiếu vi chất trầm trọng hơn.
Cho ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn: Trẻ nên được bắt đầu ăn dặm khi đạt đủ 6 tháng tuổi. Đây là khoảng thời gian trẻ sắp có nhiều chuyển biến mạnh về thể chất, trí não, cần được cung cấp năng lượng nhiều hơn. Nếu ba mẹ cho bé ăn dặm quá sớm sẽ khiến trẻ không thể hấp thụ đủ vi chất do hệ tiêu hóa còn quá non nớt. Ngược lại, nếu ba mẹ cho trẻ ăn dặm quá trễ sẽ không thể bắt kịp nhu cầu dinh dưỡng đang tăng cao của trẻ, dễ khiến bé suy dinh dưỡng nặng.
Trẻ được chăm sóc sai cách: Phụ huynh chưa biết lựa chọn thực phẩm khoa học dẫn đến bữa ăn của trẻ nghèo nàn về dưỡng chất. Nhiều bé cũng ăn quá ít hoặc mẹ kiêng khem quá nhiều, không dám cho bé ăn đa dạng sợ con lạ bụng, ăn ít hoặc nôn. Việc chỉ cho trẻ ăn đi ăn lại một vài món quen thuộc sẽ khiến trẻ mất cân đối dinh dưỡng.
Trẻ mắc bệnh và ốm đau kéo dài: Nhiều trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp, viêm phổi, sởi, kiết lỵ... kéo dài nhiều tháng và để lại nhiều hậu quả. Tình trạng bệnh lý càng kéo dài thì trẻ càng mệt mỏi, mất sức, biếng ăn. Lâu dần, bé sẽ hình thành phản xạ chán ăn và suy dinh dưỡng nặng. Khi trẻ mắc các bệnh vặt như nhiễm trùng do vi khuẩn và virus (cảm cúm, nhiễm trùng đường tiêu hóa,...), trẻ cũng thường biếng ăn, bỏ cữ. Nếu điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh cũng có thể khiến trẻ bị nhạt miệng, không còn hứng thú với việc ăn uống.
Biếng ăn: Ngoài biếng ăn bệnh lý, trẻ còn bị biếng ăn do tâm lý và sinh lý. Ba mẹ hay quát nạt, dọa dẫm là nguyên nhân chính gây nên tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ. Trong khi đó, đến độ tuổi mọc răng, trẻ thường bị ngứa"nướu gây bất tiện trong việc nhai nuốt, khiến trẻ lười ăn sinh lý. Biếng ăn khiến trẻ bị thiếu hụt các vitamin và khoáng chất cần thiết để phát triển bình thường. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu ba mẹ thường khó phát hiện nên có thể để kéo dài.
Trẻ bị dị tật bẩm sinh: Một số vấn đề bẩm sinh như mẹ sinh non, sinh thiếu tháng, thai nhi bị suy dinh dưỡng bào thai, tật hở hàm ếch, sứt môi, bệnh tim bẩm sinh,... cũng có thể khiến trẻ suy dinh dưỡng nặng. Lý do vì trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc ăn uống, tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất.
Bác sĩ Hồng Loan cho biết thêm, chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng nặng cần được tư vấn bởi bác sĩ sau khi đã thăm khám và thực hiện các chỉ định xét nghiệm cần thiết. Một số lưu ý chung đó là bữa ăn của trẻ cần chia thành nhiều cữ với hàm lượng calo tăng dần.
Một bữa ăn của trẻ suy dinh dưỡng nặng phải đảm bảo có ít nhất 10-15 thực phẩm thuộc ít nhất 5 trong 8 nhóm chất (riêng nhóm chất béo là bắt buộc), với hàm lượng tùy theo độ tuổi và tình trạng suy dinh dưỡng. Nhóm đầu tiên gồm lương thực (gạo, ngô, sắn, khoai) cung cấp tinh bột. Nhóm hai gồm các loại hạt và các loại đậu (hạt vừng, đậu nành, lạc,...). Nhóm 3 gồm sữa và các chế phẩm từ sữa (yaourt, phô mai,...). Nhóm 4 gồm thịt, cá, hải sản,...cung cấp chất đạm. Nhóm 5 có các loại trứng... cung cấp nhiều chất đạm, vitamin và axit béo.
Nhóm 6 gồm rau củ quả có màu xanh thẫm hoặc đỏ, da cam, vàng như cà chua, bí đỏ, cà rốt, cải bó xôi, cải thìa, bông cải xanh,... cung cấp nhiều vitamin A, B1, B2, B3, B6, B9, B12, C, E, K,... Nhóm 7 có sự xuất hiện của rau củ quả có màu khác như củ cải, củ su hào,... cung cấp nhiều khoáng chất và chất xơ. Nhóm 8 gồm nhóm chất béo, kết hợp ăn cả dầu và mỡ động vật.
Ngoài thực phẩm tự nhiên, trẻ suy dinh dưỡng nặng có thể dùng thêm thực phẩm chức năng để kịp thời bổ sung các loại vitamin và khoáng chất mà cơ thể trẻ đang thiếu hụt. Ba mẹ có thể cân nhắc cho trẻ dùng sữa dòng cao năng lượng (chứa nhiều tinh bột, protein, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ và calo).
Thư Nguyễn