Bài được tư vấn chuyên môn bởi thạc sĩ, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết có hình con bướm nằm ở cổ, ngay trước khí quản. Hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, quá trình trao đổi chất... Lồi mắt là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh tuyến giáp, chủ yếu gây ra bởi bệnh Graves (còn gọi là Basedow).
Lồi mắt có thể ảnh hưởng đến một hoặc hai bên mắt. Phần tròng trắng của mắt lộ rõ hơn, nhãn cầu đẩy về phía trước hốc mắt, khác so với vị trí tự nhiên của mắt. Lồi mắt do bệnh Graves còn gọi là bệnh mắt tuyến giáp (TED).
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây lồi mắt ở người mắc bệnh Graves là sự bất thường của hệ thống miễn dịch tấn công các cơ và mô xung quanh mắt. Các mô cơ sau mắt giúp mắt cử động. Khi bị tấn công, các mô này viêm hoặc phù nề khiến mắt bị đẩy về phía trước, gây lồi mắt.
Biểu hiện
Người mắc bệnh Graves có thể biểu hiện triệu chứng lồi mắt trước hoặc sau khi có chẩn đoán mắc bệnh.
Triệu chứng đi kèm khác như:
- Khó chịu khi di chuyển mắt.
- Mắt khô.
- Chảy nước mắt.
- Mí mắt sưng hoặc đỏ.
- Căng cơ mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
- Sốt.
Đau đầu.
Lồi mắt cũng khiến người bệnh khó hoặc không thể chớp mắt, lớp bảo vệ bên ngoài của mắt (giác mạc) không nhận được chất bôi trơn, từ đó làm tăng nguy cơ tổn thương giác mạc, thị lực kém, thị lực kép (nhìn đôi), mất thị lực.
Điều trị
Lồi mắt do bệnh Graves có thể điều trị được, dựa trên tình trạng của từng trường hợp cụ thể. Các phương pháp chữa lồi mắt do bệnh Graves bao gồm:
- Dùng thuốc corticoid: Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc corticoid liều cao nhằm giảm tình trạng viêm - sưng mô cơ sau mắt. Corticoid được dùng dưới dạng tiêm qua tĩnh mạch. Khi điều trị bằng phương pháp này, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa Mắt theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe định kỳ. Không tự mua thuốc điều trị nếu không có chỉ định của bác sĩ, vì dễ dẫn đến những biến chứng lạm dụng thuốc nguy hiểm đến sức khỏe.
- Xạ trị: Phương pháp sử dụng máy tạo chất phóng xạ, chiếu vào vùng hốc mắt. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng có thể điều trị bằng phương pháp xạ trị. Người đã bị teo các cơ mắt, hình thành sẹo sau hốc mắt sẽ không thể xạ trị.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Thuốc này giúp giảm tác động của hệ miễn dịch tấn công lên mô cơ mắt người bệnh.
- Điều trị nhìn đôi: Người bệnh được đeo kính phù hợp giúp khắc phục tình trạng nhìn đôi.
- Phẫu thuật: Phương pháp thường được áp dụng sau khi điều trị nội khoa không đạt hiệu quả. Phẫu thuật nhằm giảm áp, tránh biến chứng mù cho người bệnh.
Khi bị lồi mắt do bệnh Graves, người bệnh có thể áp dụng các cách sau để giảm triệu chứng gây khó chịu gồm:
- Kê gối cao khi nằm.
- Đeo kính râm khi đi ngoài trời nắng hoặc nơi có ánh sáng mạnh.
- Không ở quá lâu trong môi trường có nhiều khói bụi hay phòng có máy lạnh và máy sưởi.
Để tránh tình trạng lồi mắt diễn biến nặng hơn, người bệnh nên kiểm soát hormone tuyến giáp tốt bằng cách khám và điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh nên bỏ hút thuốc lá (nếu có hút thuốc), vì hút thuốc lá có thể làm giảm hiệu quả điều trị.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |