Cà rốt giúp tăng thêm màu sắc, hương vị cho nhiều món ăn. Đây là thực phẩm bổ dưỡng, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu trẻ ăn thường xuyên.
Giàu dinh dưỡng
Cà rốt chứa khoảng 88% nước, 7% đường tự nhiên, còn lại là protein, chất xơ cùng các dưỡng chất khác. Loại củ này cung cấp cho cơ thể nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C, K, B1, B3 và B6, chất xơ, mangan, cùng các khoáng chất như canxi, sắt, kali, đồng, phốt pho. Cà rốt còn giàu beta carotene (tiền chất của vitamin A) tăng khả năng miễn dịch, có đặc tính chống lão hóa, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
Giúp mắt sáng
Beta carotene được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A, rất tốt cho mắt. Nửa cốc cà rốt sống cung cấp cho trẻ khoảng 459 mcg vitamin A, chiếm hơn 70% nhu cầu vitamin này hàng ngày. Các bé ăn cà rốt mỗi ngày có thể cải thiện tầm nhìn, phòng ngừa các vấn đề liên quan đến mắt như quáng gà, thoái hóa điểm vàng.
Làn da khỏe
Vitamin A và chất chống oxy hóa trong cà rốt bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Thiếu vitamin A dẫn đến da, tóc, móng tay khô và dễ giòn, gãy. Thực phẩm này cũng góp phần làm chậm quá trình lão hóa, sửa chữa các tổn thương tế bào da do quá trình trao đổi chất.
Thúc đẩy tiêu hóa
Lượng lớn chất xơ trong cà rốt thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Chất xơ còn kích thích tiết dịch dạ dày, đảm bảo nhu động ruột hoạt động trơn tru. Ăn cà rốt giúp phòng tránh táo bón cùng các rối loạn dạ dày khác. Các bé ăn súp hoặc uống nước ép cà rốt vài lần mỗi ngày có thể bù lượng nước mất do tiêu chảy ở trẻ.
Tốt cho não
Cà rốt cũng đóng vai trò quan trọng cho hoạt động nhận thức. Vitamin B6 trong loại củ này giúp tổng hợp các axit amin thành protein, trong khi thiamine hỗ trợ chức năng thần kinh và não.
Giữ răng chắc khỏe
Ăn cà rốt sau bữa ăn còn hỗ trợ làm sạch mảng bám trên nướu, răng, đồng thời loại bỏ mùi hôi do thực phẩm gây ra. Canxi và các khoáng chất khác góp phần chống lại vi trùng, giữ cho hàm răng trẻ khỏe mạnh.
Phòng bệnh tim, ung thư
Hợp chất falcarinol kết hợp với beta-carotene trong cà rốt hỗ trợ phòng các loại ung thư như vú, họng, miệng, tuyến tiền liệt, bàng quang và ruột. Ăn loại củ này góp phần làm giảm lượng cholesterol xấu (LDL), phòng bệnh tim mạch, đột quỵ.
Ba mẹ nên chọn loại củ vỏ nhẵn, không có vết vắt, vết thâm hoặc bị mềm. Gọt vỏ và cắt miếng nhỏ để trẻ nhai từng miếng. Hấp, luộc, nấu canh, súp, nướng cũng là những món ngon, bổ dưỡng từ củ này.
Bảo Bảo (Theo Momjunction)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để được bác sĩ giải đáp |