Người bệnh tiểu đường có thể thêm thực phẩm lên men vào chế độ ăn uống vì chúng giàu lợi khuẩn, giúp giảm viêm, có chứa một số chất dinh dưỡng. Kim chi nhiều chất xơ. Sữa chua cung cấp canxi và protein tốt. Kombucha là lựa chọn ít đường thích hợp thay thế cho soda, nước ép trái cây. Tempeh (tương nén làm từ đậu nành lên men) giàu protein, phù hợp với người ăn thuần chay.
Tuy nhiên, không phải tất cả sản phẩm lên men đều là có men vi sinh. Ví dụ, rượu chua trong quá trình sản xuất, các vi sinh vật gây ra quá trình lên men gần như bị tiêu diệt. Dưới đây là một số lợi ích của thực phẩm này qua các nghiên cứu.
Trường Đại học Stanford (Mỹ) thực hiện nghiên cứu về tác dụng của thực phẩm lên men với sức khỏe. Cụ thể, 36 người trưởng thành theo chế độ ăn có sữa chua, kefir (nấm sữa), phô mai tươi lên men, kim chi và các loại rau lên men khác, trà kombucha trong 10 tuần.
Kết quả công bố tháng 7/2021 cho thấy bốn loại tế bào miễn dịch hoạt động ít hơn và mức độ của 19 protein gây viêm đo được trong mẫu máu cũng giảm ở người tham gia. Một trong những protein này là interleukin 6, có liên quan đến các tình trạng như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường type 2 và căng thẳng mạn tính.
Các nhà nghiên cứu kết luận thực phẩm lên men làm tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật và giảm các protein gây viêm có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Do đó, tiêu thụ các loại thức ăn lên men làm giảm khả năng mắc bệnh này.
Các nhà khoa học của Trường Đại học Sao Paulo (Brazil) phân tích và đánh giá lợi ích của thực phẩm lên men với người tiểu đường dựa trên 80 nghiên cứu. Kết quả công bố năm 2020 cho thấy ăn rau củ muối chua, kefir, trà kombucha... hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, cải thiện kiểm soát đường huyết, phục hồi hoặc duy trì trọng lượng cơ thể và khả năng chống oxy hóa.
Một đánh giá năm 2018 của Trường Đại học Chiang Mai (Thái Lan) dựa trên 3 nghiên cứu với 152 người tiểu đường type 2 tham gia cũng có kết luận tương tự. Sữa đậu nành, đậu nành, sữa bò và gạo lên men, kim chi giúp tăng khả năng chống oxy hóa, cơ chế chống viêm của bệnh nhân, nhờ đó làm giảm đáng kể các biến chứng liên quan tiểu đường.
Theo đánh giá năm 2017 của Trường Đại học Connecticut và Đại học Wisconsin (Mỹ), sữa chua có thể tăng cường các phản ứng miễn dịch bẩm sinh và thích ứng, chức năng hàng rào ruột, cấu trúc lipid, điều chỉnh sự thèm ăn. Điều này cải thiện sức khỏe đường ruột và giảm viêm mạn tính.
Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc) thực hiện nghiên cứu năm 2013 với 100 người khỏe mạnh ăn kim chi mỗi ngày trong một tuần. Một nửa người tham gia ăn khoảng 14 g và nửa còn lại ăn khoảng 225 g mỗi ngày. Kết quả những người ăn nhiều kim chi hơn có sự cải thiện về lượng cholesterol và lượng đường trong máu lúc đói.
Thực phẩm lên men không có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường. Người bệnh nên ăn khẩu phần hợp lý để tránh ảnh hưởng đường huyết và sức khỏe tổng thể.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |