Đậu rồng có hàm lượng protein cao, thuộc họ đậu, được trồng nhiều ở vùng nhiệt đới. Các bộ phận hạt, quả non, lá, hoa, củ đều có thể ăn.
BS.CKI Nguyễn Văn Phúc, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết phụ nữ có thể nhận được axit folic, vitamin B nhờ ăn đậu rồng. Đây là những chất quan trọng giúp quá trình tổng hợp DNA và phân chia tế bào ở thai nhi diễn ra thuận lợi hơn. Axit folic góp phần ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Thực phẩm này cũng cung cấp nhiều protein, sắt, hỗ trợ thai phụ giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu máu khi mang thai, phòng ngừa trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Bột đậu rồng cũng được chế biến thành nhiều món ăn nhằm giảm tình trạng suy dinh dưỡng.
Bác sĩ Phúc lưu ý đậu rồng dù rất tốt cho sức khỏe nhưng phụ nữ không nên ăn quá nhiều mà cần bổ sung thực phẩm khác để đảm bảo thành phần dinh dưỡng. Khi mua đậu rồng, nên chọn quả xanh, không có đốm nâu, tránh quả hư, dập nát. Người bị thiếu men G6PD, bệnh gout, sỏi đường tiết niệu không nên ăn nhiều.
Phụ nữ cần cân bằng dinh dưỡng, đổi món mỗi ngày giúp ngon miệng, nên ăn những thực phẩm giàu axit folic như đậu, gan, trứng, rau xanh lá, cam, quýt...
Bác sĩ Phúc cho biết khi khám tư vấn tiền sản, phụ nữ có mong muốn sinh con luôn được tư vấn về sức khỏe sinh sản, chủng ngừa tiền sản và cung cấp viên uống bổ sung vitamin tổng hợp đã bao gồm sắt, axit folic trước khi có thai ít nhất ba tháng.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo vợ chồng cần nắm rõ khoảng thời gian rụng trứng, quan hệ vào giai đoạn nào để dễ thụ thai nhất. Trường hợp không nắm rõ thời gian rụng trứng nên quan hệ đều đặn ít nhất một tuần vào giữa chu kỳ kinh nguyệt (khoảng cửa sổ rụng trứng). Vợ và chồng cần nâng cao sức khỏe, tập thể dục nhẹ nhàng, giữ cân nặng, giảm stress, hạn chế sử dụng chất cồn, cà phê, thuốc lá.
Nếu áp dụng cách trên mà chưa có tin vui, vợ chồng nên đi khám tiền sản. Bác sĩ giúp cặp đôi phát hiện các dấu hiệu bất thường sớm để điều trị, đậu thai thành công.
Tuệ Diễm
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |