Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có đề xuất cho các loại xe khác như xe khách từ 24 chỗ trở lên, xe công vụ, xe cứu nạn, cứu thương được chạy vào làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT. Lý do được đưa ra là bới tuyến buýt nhanh BRT hoạt động chưa hiệu quả, trong khi lưu lượng phương tiện giao thông cao, đặc biệt vào giờ cao điểm, gây tình trạng ùn ứ.
Là một người dân đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, hằng ngày vẫn thường xuyên đi qua cung đường Lê Văn Lương (nơi BRT hoạt động), cá nhân tôi không ủng hộ đề xuất trên. Việc cho các loại xe khác được chạy vào làn riêng của BRT chẳng khác nào một lời thừa nhận cho thất bại toàn diện của loại hình giao thông công cộng này.
Đầu tiên, chúng ta phải hiểu rõ, nguyên nhân từ đâu khiến buýt nhanh BRT hoạt động kém hiệu quả như hiện tại? Theo tôi, lý do thứ nhất là thói quen sử dụng phương tiện công cộng còn chưa được người Việt tích cực đón nhận và thay đổi. Người ta vẫn ưa dùng xe máy, ôtô cá nhân cho tiện. Tâm lý đó vô tình khiến BRT bị ghẻ lạnh dù những hiệu quả về mặt tốc độ di chuyển đã được kiểm chứng bằng những số liệu rõ ràng.
Lý do thứ hai khiến BRT gọi là buýt nhanh nhưng lại không nhanh, đó chính là ý thức tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân. Chúng ta tạo ra làn đường riêng cho BRT để tăng tốc độ di chuyển cho phương tiện này, nhưng cứ nhìn thực tế diễn ra trên đường mỗi ngày để thấy, cứ hễ dòng xe cộ ùn ứ là người ta lại nhao nhao chen vào làn BRT để đi cho nhanh. Từ xe máy đến ôtô to nhỏ thi nhau "xé rào", chặn đầu buýt nhanh, do việc xử phạt còn hời hợt.
Và cái vòng lặp luẩn quẩn bắt đầu từ đây. Người ta mặc sức "cướp đường" BRT, khiến buýt nhanh cũng phải xếp hàng đi chậm, hành khách bắt đầu hết kiên nhẫn rồi rời bỏ BRT. Đến khi hiệu quả hoạt động của buýt nhanh giảm dần, chính những người cản đường BRT lại lên tiếng đòi chia sẻ làn đường riêng, thậm chí muốn xóa sổ cả phương tiện này. Họ muốn quay lại cái thời đường sá đều ưu tiên cho phương tiện cá nhân.
>> Làn đường bỏ trống vì xe buýt nhanh BRT
Nếu làm vậy, theo tôi sẽ là một bước lùi trong công cuộc phát triển giao thông công cộng ở Việt Nam. Lẽ ra, thay vì muốn BRT chia sẻ làn đường với các phương tiện hỗn tạp khác, chúng ta phải tập trung giải quyết lý do lớn nhất khiến BRT hoạt động kém hiệu quả - hành vi "giành đường" của xe cá nhân. Định hướng đúng đắn hiện tại là giảm bớt phương tiện cá nhân (xe máy, ôtô), nhân rộng phương tiện công cộng (BRT, xe buýt, tàu điện...). Muốn vậy, không thể có chuyện hy sinh lợi ích của các loại hình giao thông công cộng, chỉ để phục vụ cho xe cá nhân, như đề xuất nói trên.
Chưa kể, nếu cho phép các phương tiện khác đi vào làn BRT, tôi tin sẽ tạo nên một hiệu ứng ngược. Bởi khi đó, ngày càng nhiều người đổ về các tuyến đường này để sinh sống (do đường to, rộng, được đi vào làn BRT...). Vậy là tắc đường không những không giảm mà còn tăng thêm. Không sớm thì muộn, lượng xe cộ sẽ nhanh chóng lấp đầy phần đường dành cho BRT và diện tích ùn tắc sẽ bị tăng lên. Thực tế cho thấy mở rộng đường đến bao nhiêu cũng không thể đáp ứng đủ lượng xe máy, ôtô cá nhân vốn đã quá tải ở ta.
Tôi cho rằng, giải pháp tốt nhất ở đây là kiên quyết xử lý mạnh tay những người cố tình đi vào làn BRT (cả xe máy lẫn ôtô). Mấu chốt là phải đảm bảo BRT được hoạt động trơn tru đúng như tính toán ban đầu. Khi việc đi xe cá nhân quá bất tiện do tắc đường, còn BRT đảm bảo nhanh, tiện như tên gọi, tôi tin người ta sẽ buộc lòng phải chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng này để thay thế. Từ đó, chúng ta mới có thể từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động của buýt nhanh BRT.
Đáng buồn là vẫn còn quá nhiều người liên tục chê trách buýt nhanh kém hiệu quả, đòi bỏ, trong khi bản thân họ chẳng hề có ý định từ bỏ xe cá nhân để ủng hộ nó phát triển. BRT có lãng phí hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ chấp hành và sự ủng hộ của người dân. Đừng vì khó mà đòi bỏ, làm vậy chúng sẽ mãi giậm chân tại chỗ, bài toán tắc đường sẽ không thể tìm được lời giải.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.