Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, tổng đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Báo cáo tài chính đã kiểm toán 2021 của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) mới công bố cho thấy, doanh thu năm 2021 của doanh nghiệp đạt hơn 5 tỷ đồng, lỗ gộp 54 tỷ đồng. Cộng với các chi phí khác và khoản lỗ năm 2020, lỗ lũy kế là 160 tỷ đồng. Vậy, câu hỏi đặt ra là liệu với doanh thu lỗ nặng như vậy, Metro có phải là một sự đầu tư sai lầm?
Tôi cho rằng, bản chất của giao thông công cộng là làm giảm áp lực giao thông, giúp người dân dễ dàng và thuận tiện di chuyển. Đã là "công cộng" thì rất khó thu được lợi nhuận vì đây là hình thức phục vụ số đông người dân với chi phí rẻ để mọi người ở bất kể tầng lớp nào cũng đều có thể tham gia hằng ngày một cách dễ dàng.
Ý nghĩa lớn nhất của giao thông công cộng là nó sẽ đem đến lợi nhuận cho những nhóm ngành khác liên quan và cái lợi nhuận này đáng giá hơn nhiều lần so với khoản lỗ mà loại hình giao thông này mang lại.
Ví dụ, cùng một đoạn đường, nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn mất hàng giờ đồng hồ kẹt xe mới đến được nơi làm việc trong tình trạng mệt mỏi; thì nay, cũng với đoạn đường đó, bạn chỉ mất có chưa đầy 30 phút, vừa nhanh vừa khỏe thân. Như vậy, bạn đã tiết kiệm được một số thời gian nhất định mỗi ngày. Với lượng người khổng lồ đổ ra đường mỗi ngày, giá trị tạo ra trong 30 phút này chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với khoản lỗ trước mắt.
>> 'Đường sắt Cát Linh - Hà Đông mang đến tiện ích vượt qua lỗ lãi'
Các đô thị lớn trên thế giới đều coi đây là hình thức giao thông chủ chốt của người dân và họ xây dựng mạng lưới giao thông công cộng dày đặc, phủ khắp thành phố. Vì vậy, chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của phương tiện công cộng được.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến Metro đầu tiên vận hành ở Việt Nam nên chắc chắc chưa thể phục vụ được số đông một cách trơn tru nhất. Nhưng khi đã hình thành được mạng lưới giao thông công cộng dày đặc, chúng ta sẽ thấy được hiệu quả của nó. Tôi tin, khi đó mọi người sẽ tự động chuyển sang phương tiện thuận tiện hơn cho bản thân mà thôi. Điều quan trọng là chúng ta cần đẩy mạnh quản lý và đầu tư, kết nối được các tuyến tiếp theo, để người dân ở mọi nơi trong thành phố đều có thể tham gia sử dụng loại phương tiện này được.
Nhiều người than thở việc phải đi bộ 1-2 km mới đến được ga đường sắt trên cao là bất tiện, nhưng tôi lại cho đó là chuyện bình thường. Tàu điện công cộng trên thế giới cũng đều như vậy và người dân các nước vẫn tham gia sử dụng đều đặn mỗi ngày. Đừng đòi hỏi ga tàu điện phải nhiều và gần như điểm dừng xe buýt.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều bất cập ở tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông mà chúng ta không thể phủ nhận. Nhưng cái gì cũng phải dần dần, phải có thời gian để khắc phục và phát triển. Không có cái đầu tiên thì làm sao có cái tiếp theo? Hãy kiên nhẫn với Metro, chung tay xây dựng nó chứ đừng chỉ nhìn vào những yếu kém hiện tại rồi quay lưng, chỉ trích. Có được sự ủng hộ của số đông người dân, tôi tin giá trị của giao thông công cộng sẽ sớm được thể hiện.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.