Ngày 1/6, TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết khoảng hơn 1.000 người bệnh ung thư đến khám và điều trị mỗi tháng, trong đó 30% trường hợp từng hoặc đang dùng thuốc nam. Đa phần là các loại thuốc nam trôi nổi trên thị trường hoặc dân gian truyền miệng, không rõ nguồn gốc.
Nhiều bệnh ung thư tiến triển rất chậm như ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, ung thư tiền liệt tuyến nên triệu chứng không rõ ràng. Cơ thể không có nhiều thay đổi trong nhiều năm, đôi khi trùng hợp người bệnh dùng thuốc nam để chữa ung thư, dẫn đến hiểu lầm về hiệu quả, theo bác sĩ. Chi phí điều trị ung thư tốn kém cũng khiến không ít người "nhẹ dạ cả tin", tự uống thuốc nam thay các phương pháp chính thống.
Uống thuốc nam có thể hỗ trợ người bệnh ung thư cải thiện triệu chứng, tinh thần, do đó có cảm giác khỏe hơn trong thời gian đầu. Tuy nhiên, bác sĩ Khiêm khuyên cần chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được bác sĩ y dược học cổ truyền tư vấn. Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy uống thuốc nam có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Sau một thời gian uống, người bệnh có thể diễn tiến nặng. Nhiều người bệnh quay lại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám khi ung thư đã ở giai đoạn muộn, di căn, tiến triển nặng khiến việc điều trị khó khăn, kết quả hạn chế.
Đơn cử Mơ, 13 tuổi, ngụ Bắc Giang, bị mỏi vùng vai phải, cảm giác đau nhức. Cuối năm 2023, gia đình phát hiện bé có u to ở vai, đưa đến viện khám được chẩn đoán mắc sarcoma xương (một dạng ung thư xương), bác sĩ chỉ định điều trị hóa chất. Tuy nhiên cơ thể bé chưa đáp ứng ngay với thuốc, người nhà đưa con về chữa bằng thuốc nam. Trong ba tháng, bé uống bồ công anh, xạ đen và hơn 20 loại khác, mỗi ngày ba bát nhỏ, khoảng 200 ml.
Đầu tháng 5, Mơ được chuyển tới Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội với khối u lớn, kích thước 26x30 cm. Tổn thương phá hủy vỏ xương, thâm nhiễm xương đòn và xương bả vai phải bé, bề mặt có dấu hiệu chảy dịch. Khối u to, chèn ép khiến bé không thể sinh hoạt bình thường. Bác sĩ Khiêm đánh giá tình trạng của bệnh nhi rất phức tạp, điều trị khó khăn, tốn kém. Sau phẫu thuật loại bỏ khối u, bác sĩ phải đánh giá lại tình trạng sức khỏe của bé để đưa ra hướng điều trị tiếp theo.
Tương tự, ông Đức, 46 tuổi, khi phát hiện ung thư gan giai đoạn sớm, bác sĩ đánh giá tiên lượng tốt, khả năng phục hồi sức khỏe khả quan, chỉ định phẫu thuật song gia đình từ chối do sợ "đụng dao kéo".
Ông Đức về nhà ăn chay và chữa bằng thuốc nam do thầy lang kê đơn. Thang thuốc gồm xạ đen, đẳng sâm rừng, xương khỉ và một số thành phần khác. Mỗi ngày người nhà đun khoảng 100 g thuốc (10 g cùng 150 ml nước một lần) cho ông uống thay nước. Theo người nhà, thầy lang khẳng định thuốc có tác dụng "tăng cường khí huyết, hấp thụ tốt hơn, tiêu diệt tế bào ung thư". Nhưng chỉ vài tháng sau, khi ông Đức đi khám, tế bào ung thư xâm lấn và lan rộng, di căn phổi, tiên lượng bệnh rất xấu.
"Mục tiêu điều trị giai đoạn này chỉ là chăm sóc giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, cải thiện chất lượng sống", bác sĩ Khiêm nói. Người bệnh ung thư gan giai đoạn đầu được phẫu thuật cắt bỏ hoặc ghép gan, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 60-70%. Nhưng ở giai đoạn muộn, khối u di căn xa đến các cơ quan khác, tiên lượng sống sau 5 năm còn 4%.
Bác sĩ Khiêm khuyến cáo nếu bệnh nhân không đáp ứng thuốc đang điều trị cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra hướng điều trị phù hợp hơn. Tuyệt đối không uống các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Một số loại thuốc miễn dịch, điều trị đích chi phí cao, nhưng hiện có các chương trình tài trợ của hãng thuốc kết hợp Bộ Y tế và bệnh viện hỗ trợ giúp người bệnh giảm gánh nặng tài chính.
Linh Đặng
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |