Bé Huỳnh Châu (10 tuổi, Sóc Trăng) tái khám vào ngày 29/3 sau gần một tháng phẫu thuật, tình trạng liệt mặt hồi phục gần như hoàn toàn. Chị Đỗ Vân (mẹ của bé) cho biết, trước đó, bé than đau đầu, cười nói thấy mép bên trái không nhúc nhích. Chị đưa bé đến phòng khám gần nhà, bác sĩ chẩn đoán liệt dây thần kinh mặt có thể do bệnh lý về thần kinh và khuyên phụ huynh đến bệnh viện lớn thăm khám.
Kết quả nội soi tai và chụp CT tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, vào đầu tháng 3, cho thấy bé không mắc bệnh thần kinh mà bị viêm tai giữa có mủ cấp tính. Tình trạng của bệnh nhi rất nặng, hình thành ổ áp xe, viêm xương chũm chèn ép dây thần kinh. Nhiễm trùng bắt đầu lan sâu vào các tổ chức bên trong. "Nếu không phẫu thuật ngay, nhiễm trùng nội sọ gây viêm màng não có thể nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhi", ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng (Trưởng khoa Tai Mũi Họng) cho biết.
Các bác sĩ phẫu thuật nội soi mở màng nhĩ lấy mủ. Sau đó, bệnh nhi được duy trì thông khí cho tai giữa, khoan bỏ phần xương chũm bị nhiễm trùng để tránh lan rộng sang nội sọ và giải áp dây thần kinh mặt bị khối áp xe chèn ép.
Sau 2 giờ phẫu thuật, bệnh nhi tiếp tục điều trị bằng kháng sinh phổ rộng đường tĩnh mạch, dùng thuốc nhỏ tai và hút dịch tai mỗi ngày trong một tuần. Tình trạng liệt mặt cải thiện một phần sau mổ và hồi phục hoàn toàn sau khoảng một tháng.
Mẹ của bé bất ngờ khi con bị biến chứng viêm tai giữa gây liệt mặt vì không biết con mắc bệnh. Trước đó 2 tuần, bé có bị cảm cúm, sau đó ít ngày thì bắt đầu xuất hiện các triệu chứng kể trên.
Bác sĩ Hằng cho biết, viêm tai giữa là bệnh thường gặp, dễ điều trị nhưng liệt mặt là một biến chứng ít gặp của bệnh này và phẫu thuật tương đối phức tạp. Liệt mặt cảnh báo tình trạng nhiễm trùng đang bắt đầu xâm lấn sâu vào các tổ chức tai trong và sọ não. Nhưng đây cũng là một triệu chứng của các bệnh lý tiềm ẩn khác như bệnh thần kinh, đột quỵ não.
Viêm tai giữa mủ cấp tính là tình trạng nhiễm trùng, viêm và làm mủ trong tai giữa, dẫn đến chảy mủ tai có mùi hôi, thủng màng nhĩ. Trẻ em dễ bị tình trạng này và biến chứng nghiêm trọng hơn người lớn. Trong đó, trẻ dưới 2 tuổi diễn tiến nặng hơn do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh và chưa biết mô tả để cha mẹ có thể nhận biết sớm.
Nguyên nhân viêm tai giữa phổ biến nhất là virus, sau đó là bội nhiễm vi khuẩn. Chấn thương tai do lấy ráy tai, tai nạn, nhiễm nấm, bơi lội... cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Các thời điểm dễ mắc bệnh là giao mùa như mùa thu đông và xuân hè.
Bác sĩ Hằng lưu ý, khi bé ốm, sốt, đau đầu, đau tai, ù tai, nghe kém, phụ huynh nên kiểm tra tai của con xem có mùi hôi và chảy dịch tai hay không. Nếu có cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị.
Nguyên Phương