Mất thính giác tạm thời có thể do chất lỏng trong tai hoặc tắc nghẽn. Tuy nhiên cũng có tình trạng mất thính giác vĩnh viễn, hậu quả của tổn thương tai do tiếng ồn lớn, lão hóa, bệnh truyền nhiễm hoặc nguyên nhân khác.
Theo thông tin của bệnh viện Johns Hokins (Mỹ), có khoảng 3 trong số 4 trẻ em bị nhiễm trùng tai ít nhất một lần trước 3 tuổi. Nhiễm trùng tai cũng xảy ra ở người lớn nhưng tần suất ít hơn. Vì ống vòi tai của trẻ em ngắn, hẹp và nằm ngang hơn của người lớn nên có nhiều khả năng bị nhiễm trùng tai hơn.
Nhiễm trùng tai có thể khiến thính giác bị suy giảm, gây mất thính lực nhưng thường tạm thời. Thính giác sẽ trở lại bình thường sau khi hết nhiễm trùng và hết sưng. Các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu trẻ nhỏ, người lớn có vấn đề về thính giác kéo dài hơn một vài ngày thì nên đi khám. Để đánh giá khả năng nghe, bác sĩ sẽ xác định decibel (thước đo thính giác) thấp nhất mà bạn có thể nghe thấy, thực hiện các bài kiểm tra thính lực.
Theo Very Well Health, viêm tai phổ biến nhất là viêm tai giữa. Tai giữa có nhiệm vụ dẫn truyền âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong thông qua các xương con. Nhiễm trùng tai có thể dẫn đến sưng tạm thời và hoặc chảy dịch trong tai giữa. Điều này ảnh hưởng đến cách âm thanh truyền qua tai, dẫn đến các vấn đề về thính giác. Điều này có thể được kích hoạt bởi vi khuẩn, virus, dị ứng. Hai loại vi khuẩn phổ biến nhất là Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae. Các loại virus (như virus gây cảm lạnh thông thường hoặc cúm), vi khuẩn có thể di chuyển lên các ống này vào tai giữa, thường trong hoặc ngay sau khi bị bệnh đường hô hấp.
Một số dấu hiệu nhận biết các bất thường tai ở trẻ như: trẻ thường kéo tai, hay quấy khóc, khó ngủ, sốt, rò rỉ chất lỏng từ tai, vụng về hoặc các vấn đề cân bằng, khó nghe. Ở người lớn, các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm đau một hoặc cả hai tai, rò rỉ chất lỏng từ tai, nghe kém, viêm họng.
Đối với các bệnh nhiễm trùng tai nhẹ, nhất là các bệnh do virus gây ra, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh theo dõi, nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau nếu cần. Trong nhiều trường hợp, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ chống lại nhiễm trùng. Các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm dùng thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ tai, steroid mũi. Trường hợp nặng như các bộ phận của tai không hoạt động bình thường thì bệnh nhân có thể phải phẫu thuật.
Những người hút thuốc hoặc thường xuyên ở gần những người hút thuốc có nhiều khả năng bị nhiễm trùng tai hơn. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát dị ứng hoặc thường xuyên cảm lạnh thì nên đi khám. Bạn nên lau khô tai sau khi đi bơi, không nhét tăm bông hoặc bất kỳ vật lạ nào vào tai. Ngay cả khi bệnh nhiễm trùng tai tự khỏi, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để xem xét nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm, thực hiện các biện pháp giúp tránh cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Kim Uyên
(Theo Very Well Health)