Người bị hôi miệng thường xuyên hoặc mạn tính có thể cảm thấy bối rối, tự ti, lo lắng khi giao tiếp, làm việc. Có nhiều nguyên nhân khiến hơi thở nặng mùi như ăn tỏi, hành sống, uống cà phê, khô miệng, hút thuốc lá, bệnh nha chu, sâu răng...
Kẹo cao su, kẹo bạc hà, nước súc miệng đều giúp giảm mùi hơi thở, nhưng đây chỉ là các giải pháp tạm thời. Để giảm mùi hơi thở, ngăn ngừa hôi miệng lâu dài, cần biết rõ nguyên nhân và có biện pháp điều trị tận gốc.
Khi thức ăn còn sót lại trên răng và sinh sôi vi khuẩn, mảng bám sẽ hình thành. Mảng bám không được loại bỏ chuyển thành cao răng (vôi răng). Cao răng là môi trường để vi khuẩn gây mùi phát triển. Đánh răng, dùng nước súc miệng hay chỉ nha khoa thường không loại bỏ hết cao răng.
Nếu hơi thở có mùi do nguyên nhân từ các vấn đề răng miệng, cạo vôi răng góp phần giảm tình trạng này. Đây là thủ thuật nha khoa giúp làm sạch các mảng bám ở chân răng, viền nướu, kẽ nhỏ giữa các răng cũng như bề mặt răng. Cạo vôi răng làm sạch răng, loại bỏ nơi sinh sản của vi khuẩn.
Vôi răng tích tụ lâu dần còn dẫn đến bệnh nướu răng, một trong những thủ phạm chính gây hôi miệng. Làm sạch răng bằng phương pháp này không chỉ cải thiện sức khỏe nướu mà còn ngăn ngừa bệnh nha chu. Cạo vôi răng có thể giảm viêm và thúc đẩy quá trình lành vết thương, cải thiện sức khỏe nướu tổng thể và ngăn ngừa tụt nướu.
Phương pháp này góp phần tạo ra môi trường răng miệng khỏe mạnh hơn, tránh nguy cơ mắc thêm các vấn đề về răng miệng khác, giữ hơi thở dễ chịu hơn.
Để duy trì tác dụng cạo vôi răng và ngăn ngừa hôi miệng tái phát, nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng hai lần mỗi ngày vào buổi sáng thức dậy và tối trước khi ngủ hoặc sau khi ăn thực phẩm dễ tạo mùi như tỏi, thịt bò, trái cây có tính axit. Kết hợp dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng thường xuyên.
Tích tụ mảng bám và cao răng là điều không thể tránh khỏi. Mỗi người nên khám răng thường xuyên, có thể cạo vôi răng định kỳ mỗi 6 tháng để giảm mùi hơi thở.
Không nên cạo vôi răng liên tục hoặc tự cạo vôi răng tại nhà. Lạm dụng có thể gây đau miệng, tăng nguy cơ tụt nướu, nhiễm trùng.
Anh Chi (Theo WebMD, Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi về tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |