Trả lời:
Khi nói, không khí từ phổi đẩy lên và đi qua hai dây thanh âm (những nếp gấp có tính đàn hồi nằm bên trong thanh quản), dây thanh âm kéo lại gần nhau, rung lên tạo ra âm thanh. Âm thanh bình thường khi các dây thanh âm hoạt động nhịp nhàng. Các tác nhân làm cản trở chuyển động hoặc sự tiếp xúc của dây thanh âm có thể gây ra rối loạn giọng nói.
Triệu chứng rối loạn giọng nói gồm giọng nói yếu, thều thào, run rẩy, ngắt quãng, kém ổn định. Người bệnh cũng có thể cảm thấy giọng nói bị rè, giọng quá cao hoặc quá trầm, khàn giọng, mất giọng.
Bệnh do nhiều nguyên nhân gồm bất thường cấu trúc thanh quản do bẩm sinh như màng chân vịt, rãnh lõm dây thanh. Bệnh viêm phù nề thanh quản, u nang, u hạt, polyp dây thanh, rối loạn nội tiết tố, nói quá nhiều, la hét, hắng giọng liên tục cũng làm rối loạn giọng nói.
Một số bệnh ảnh hưởng đến các dây thần kinh kiểm soát dây thanh âm như bệnh đa xơ cứng, bệnh nhược cơ, Parkinson cũng có thể gây rối loạn giọng nói. Người hút thuốc, nghiện rượu, uống nhiều cà phê, trào ngược dạ dày... cũng có khả năng rối loạn giọng nói.
Để chẩn đoán rối loạn giọng nói, bác sĩ thường hỏi các triệu chứng của người bệnh, nghe tiếng phát âm, nội soi hoạt nghiệm thanh quản để quan sát sự rung động và hoạt động đóng mở của dây thanh, phân tích âm thanh.
Hiện, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh áp dụng hệ thống phân tích âm Divas cùng hệ thống nội soi hoạt nghiệm thanh quản Xion. Các thiết bị này giúp phát hiện sớm tổn thương trên dây thanh, chẩn đoán chính xác tình trạng rối loạn giọng nói và các tổn thương khác mà các kỹ thuật chẩn đoán, nội soi thông thường không phát hiện được. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm (chụp MRI, CT...), kiểm tra cận lâm sàng để chẩn đoán rối loạn giọng nói.
Mục tiêu điều trị là bảo tồn cấu trúc giải phẫu tối đa, khôi phục chức năng thanh quản, kiểm soát triệu chứng, ngăn bệnh tái phát. Tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp là dùng thuốc và trị liệu giọng nói - ngôn ngữ. Khi hai phương pháp này không có hiệu quả tích cực, bác sĩ cân nhắc chỉ định phẫu thuật.
Chỉ định phẫu thuật trong trường hợp gồm tổn thương lành tính ở dây thanh, bất thường trong cấu trúc dây thanh, rối loạn giọng nói do nguyên nhân thần kinh và chấn thương (gãy vỡ, lệch khung sụn thanh quản).
Bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ khám, nội soi hoạt nghiệm thanh quản, phân tích âm thanh, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp nhất.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |