Chướng bụng, đầy hơi là cảm giác căng tức, khó chịu do tăng áp lực vùng bụng. Nguyên nhân phổ biến do rối loạn tiêu hóa như không dung nạp thức ăn hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS); nhiễm trùng đường ruột hoặc sinh lý (thay đổi hormone theo chu kỳ ở phụ nữ). Triệu chứng gồm buồn nôn, nôn, ợ chua, đau bụng, táo bón.
ThS.BS Đinh Thị Hương, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chướng bụng, đầy hơi có thể cấp tính, tức xuất hiện đột ngột, hoặc mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe. Dùng một số loại thuốc lâu ngày như thuốc kháng sinh, giảm đau làm chết lợi khuẩn, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển gây đầy hơi.
Bệnh có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng. Đầy hơi, chướng bụng do sinh lý thường tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị. Người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình hồi phục và ổn định hệ tiêu hóa. Nếu do bệnh lý cần xác định nguyên nhân và điều trị. Một số biện pháp dưới đây hỗ trợ kiểm soát triệu chứng đầy hơi, chướng bụng mức độ nhẹ.
Đi bộ thúc đẩy nhu động ruột, cải thiện quá trình vận chuyển, thanh thải khí trong ruột, hỗ trợ tiêu hóa. Đi bộ hiệu quả rõ rệt với người bệnh táo bón, đầy hơi. Nên đi bộ ít nhất 20-30 phút mỗi ngày, khoảng 5 ngày trong tuần.
Tập yoga có những động tác nhẹ nhàng như đứng lên ngồi xuống (squat), tư thế em bé hạnh phúc giúp giải phóng khí thừa từ đường tiêu hóa, cải thiện chướng bụng, đầy hơi. Để thực hiện tư thế em bé, nằm ngửa trên sàn, hai chân hướng lên trên trần, hai tay nắm các ngón chân, kéo hai chân dang rộng bằng vai. Thực hiện những động tác này 5-10 phút mỗi ngày để đạt hiệu quả.
Massage bụng có tác dụng kích thích nhu động ruột, tiêu hóa dễ dàng hơn. Massage bụng theo vòng tròn từ phải sang trái, lặp lại trong vài phút, dừng lại nếu thấy đau, bất thường.
Tắm nước ấm và thư giãn hỗ trợ xoa dịu bụng. Bạn có thể ngâm mình trong bồn tắm nước ấm hay dùng vòi hoa sen để tinh thần thư giãn, giảm căng thẳng, hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Tăng cường chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi giúp ngăn ngừa táo bón và đầy hơi. Một ngày, người trưởng thành cần 30 g chất xơ, nên ăn thực phẩm, sản phẩm chứa chất xơ từ từ, không quá nhiều cùng lúc dễ gây tác dụng phụ.
Nếu áp dụng các cách trên nhưng bệnh không bớt, kéo dài trên 5 ngày hoặc đi kèm sốt, nôn mửa hoặc chảy máu, sờ thấy khối u..., người bệnh nên đi khám. Tùy vào nguyên nhân, bác sĩ chỉ định thuốc điều trị phù hợp.
Bác sĩ Hương cho biết một số loại thuốc dưới đây có thể được chỉ định điều trị đầy hơi. Song người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến bệnh nặng hơn.
Thuốc men vi sinh đường ruột (probiotic) hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa, giảm đầy bụng, chướng hơi.
Thuốc kháng axit và làm giảm tiết axit dạ dày như thuốc ức chế bơm proton (PPI), kháng histamin H2, phosphalugel... thường dùng cho người khó tiêu, đầy hơi do thừa axit dịch vị trong dạ dày. Các loại thuốc này giúp giảm tiết axit dạ dày, trung hòa lượng axit trong cơ thể.
Thuốc tăng nhu động đường ruột (prokinetics) làm tăng tốc độ tiêu hóa của đường ruột, thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, giảm khó tiêu.
Các loại thuốc kháng sinh hoặc nhuận tràng có thể được chỉ định khi đầy bụng do hội chứng ruột kích thích, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do vi khuẩn, táo bón kéo dài không bớt.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |