Trả lời:
Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến ở người trung niên và cao tuổi, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt. Một trong những triệu chứng thường gặp do tăng huyết áp là đau đầu.
Huyết áp tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến hệ mạch máu não. Khi huyết áp tăng, áp lực trong lòng mạch cũng tăng theo, khiến thành mạch căng giãn. Điều này có thể kích thích các thụ thể đau trong thành mạch, gây đau đầu. Huyết áp cao cũng làm tăng nguy cơ co thắt mạch máu, dẫn đến đau đầu kèm cảm giác căng cứng hoặc nặng đầu.
Hệ thần kinh giao cảm có vai trò quan trọng trong điều hòa huyết áp và phản ứng của cơ thể trước tình trạng tăng huyết áp. Khi huyết áp cao đột ngột, hệ thần kinh giao cảm bị kích thích mạnh, gây co mạch ngoại biên và tăng nhịp tim. Phản ứng này không chỉ làm huyết áp tiếp tục tăng mà còn khiến các cơ vùng cổ, vai gáy căng cứng, gây đau đầu nhiều hơn.
Để giảm đau đầu do tăng huyết áp, việc đầu tiên bác nên làm là kiểm soát huyết áp. Duy trì huyết áp ổn định giúp giảm áp lực lên hệ mạch máu, hạn chế kích thích các thụ thể đau. Bác cần sử dụng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng.

Bác sĩ Phi tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác cũng nên ăn uống hợp lý như hạn chế muối, vì natri trong muối có thể gây giữ nước và gây tăng huyết áp. Chế độ ăn giàu kali, magiê và canxi giúp giảm căng thẳng thành mạch. Tăng cường rau xanh, trái cây, cá béo, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn để cải thiện tình trạng huyết áp, giảm đau đầu. Hoạt động thể chất đều đặn có tác dụng tăng cường tuần hoàn, giảm nguy cơ co thắt mạch máu. Các bài tập nhẹ như đi bộ, yoga hoặc thái cực quyền hỗ trợ cải thiện chức năng mạch máu, giảm căng thẳng thần kinh.
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát huyết áp và giảm đau đầu. Thiếu ngủ hoặc ngủ không sâu có thể kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm huyết áp tăng cao vào buổi sáng, gây đau đầu khi thức dậy. Do đó, bác nên ngủ đủ giấc 6-8 giờ mỗi đêm, duy trì giờ giấc sinh hoạt điều độ, thư giãn bằng cách hít thở sâu, thiền định, xoa bóp.
Nếu đau đầu kéo dài, xuất hiện đột ngột với cường độ mạnh hoặc đi kèm các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, rối loạn ý thức, người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để khám và điều trị phù hợp. Bởi đây có thể là dấu hiệu của biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não hoặc tăng huyết áp ác tính.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thế Phi
Khoa Thần kinh Đột quỵ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |