Tuy nhiên khi nuôi lên ngày 5, chỉ còn hai phôi trung bình, không thể sàng lọc tiền làm tổ, chuyển phôi hai lần thất bại. Phải làm gì để có phôi ngày 5 chất lượng tốt, tăng khả năng đậu thai? (Thu Hường, Hà Nội)
Trả lời:
Chất lượng phôi là một trong những yếu tố quyết định tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công. Để phôi đạt chất lượng tốt cần có chất lượng của giao tử (tinh trùng và trứng), môi trường và hệ thống nuôi cấy phôi tốt.
Nhiều năm trước, việc chuyển phôi được thực hiện với phôi ngày 2-3. Hiện nay, khi kỹ thuật IVF phát triển, phôi được nuôi lên ngày 5-6 (giai đoạn phôi nang), số tế bào tăng từ 2-8 đến 60-200 tế bào, tăng khả năng phôi thai sống sót và phát triển khỏe mạnh khi được cấy vào buồng tử cung. Nghiên cứu cho thấy chuyển một phôi tốt ngày 5 có tỷ lệ mang thai là 40,8%, cao hơn đáng kể so với chuyển phôi ngày ba (25,6%).
Nuôi phôi ngày 5 còn giúp giảm nguy cơ đa thai, an toàn hơn khi xét nghiệm di truyền. Tuy nhiên, quá trình nuôi phôi ngày 5 không đơn giản, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi phụ nữ, số lượng và chất lượng trứng, tinh trùng, chất lượng phòng labo và kinh nghiệm của chuyên viên phôi học.
Với phụ nữ hơn 30 tuổi, nhất là trên 40 tuổi, tỷ lệ tạo thành phôi ngày 5 và IVF thành công đều giảm do số lượng và chất lượng trứng suy giảm. Một nghiên cứu tại Nigeria năm 2022 trên 266 phụ nữ cho thấy tỷ lệ mang thai ở người dưới 30 tuổi đã trải qua chuyển phôi là 69,4%, phụ nữ 40-43 tuổi giảm còn 9,4%.
Số lượng ít và chất lượng trứng kém ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng phôi. Số lượng và chất lượng phôi ngày 3 cũng ảnh hưởng trực tiếp kết quả nuôi phôi ngày 5. Nếu có nhiều phôi ngày 3, số phôi phát triển lên ngày 5 càng cao và ngược lại.
Chất lượng labo phôi học cũng đóng vai trò không nhỏ để tạo thành phôi ngày 5 chất lượng tốt. Phôi là vật thể nhạy cảm, dễ ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài, cần nuôi cấy trong môi trường ổn định, đủ điều kiện cần thiết. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của chuyên viên phôi học tác động trực tiếp đến kết quả quá trình nuôi cấy.
Phôi cần nuôi cấy trong hệ thống hoàn chỉnh và khép kín, từ lâm sàng đến lab, hệ thống phòng sạch ổn định như buồng tử cung của phụ nữ để tạo ra được phôi có chất lượng tốt, khi đó mới cấy lại vào buồng tử cung cho tỷ lệ thành công cao hơn.
Trường hợp của bạn đã lớn tuổi, chỉ số dự trữ buồng trứng thấp, phải gom phôi nhiều chu kỳ, đã thất bại chuyển phôi hai lần nên đi khám và điều trị sớm. Các bác sĩ đưa ra phác đồ phù hợp nhất với tình trạng bệnh, có thể tiếp tục gom phôi, nuôi lên ngày 5, sàng lọc phôi tiền làm tổ... nhằm tăng khả năng mang thai.
Tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phôi được nuôi cấy trong phòng nuôi cấy phôi chuẩn ISO 5, tối ưu hóa khả năng sinh sống và phát triển của giao tử và phôi.
Buồng nuôi cấy đảm bảo ổn định phôi, hạn chế tất cả tác nhân từ bên ngoài như nhiệt độ, độ ẩm... Phôi không bị "sốc" do tác nhân bên ngoài khi được lấy ra khỏi tủ cấy để làm một số thao tác như hỗ trợ phôi thoát màng, sinh thiết.
IVF Tâm Anh triển khai hai hệ thống nuôi cấy bằng động học, ghi nhận tất cả thông số động học 5 phút một lần của phôi, phát hiện phôi phân chia bất thường...
Dựa trên cơ sở sàng lọc hình ảnh của phôi với hàng nghìn mặt cắt khác nhau, phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI), chuyên viên phôi học chọn phôi có tiềm năng phát triển tốt nhất chuyển vào tử cung của bạn, tăng tỷ lệ mang thai và sinh con khỏe mạnh. Tỷ lệ thành công sau chuyển phôi ở phụ nữ dưới 30 tuổi đạt 100% với phôi ngày 5, nuôi phôi bằng tủ time-lapse, đánh giá qua AI và sinh thiết phôi.
Thạc sĩ Lê Thị Thu Thảo
Phó labo Trung tâm Hỗ trợ sinh sản
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM