Trả lời:
Bệnh gan do rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Khi rượu bia vào cơ thể, 10% lượng cồn được đào thải qua đường tiểu, mồ hôi, hơi thở; 90% đến gan, được tế bào gan xử lý, khử độc trước khi đào thải ra ngoài.
Người uống quá nhiều rượu bia, gan sản xuất không đủ lượng men giải độc, làm cồn ứ đọng trong cơ thể, kích hoạt tế bào kupffer (đại thực bào trong xoang gan) hoạt động quá mức, sản sinh nhiều chất gây viêm như TNF-α, TGF-β và Interleukin... Đây là nguyên nhân tế bào gan bị hủy hoại, dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, viêm gan, tăng men gan, xơ gan, ung thư gan.
Chất cồn trong rượu bia tác động tế bào kupffer làm gián đoạn quá trình oxy hóa chất béo, tăng tích lũy, giảm ly giải chất béo gây mỡ hóa tế bào gan.
Bệnh lý về gan thường tiến triển âm thầm, triệu chứng không rõ cho đến khi gan bị tổn thương nặng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị người trưởng thành chỉ nên uống rượu bia ở mức cho phép. Nam giới uống không quá hai đơn vị cồn và nữ giới là một đơn vị cồn một ngày. Hai đơn vị cồn tương đương với 3/4 lon bia 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Hạn chế rượu bia là điều bác sĩ khuyến nghị đầu tiên. Trong trường hợp của bạn, vì tính chất công việc phải dùng rượu bia thường xuyên thì nên áp dụng những cách sau để góp phần giảm độc tố, tăng cường khả năng chống độc, bảo vệ gan, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Trước khi vào bàn nhậu, bạn nên lót dạ bằng bữa ăn nhẹ như bánh mì, bơ, phô mai, sữa hoặc uống một cốc nước lọc. Cách này giúp làm chậm quá trình hấp thụ bia, giảm hình thành acetaldehyde trong quá trình gan chuyển hóa rượu bia, tránh gan làm việc quá tải.
Trong khi uống rượu, bạn nên chọn đồ nhấm giàu vitamin (C, B1, B6) có trong trứng, cá, rau củ quả (rau xanh, cà chua, mướp đắng...) để hạn chế rối loạn trao đổi chất, giúp giảm mệt mỏi, lừ đừ. Uống nhiều nước lọc xen kẽ khi uống bia (tỷ lệ bốn nước một rượu hoặc hai nước một bia) góp phần hạn chế sự tấn công ồ ạt của acetaldehyde với gan gây tổn thương gan.
Nói chuyện nhiều có thể đẩy một lượng cồn đáng kể theo hơi thở ra bên ngoài. Không uống rượu bia cùng với nước ngọt, do carbon dioxide trong nước ngọt có gas thúc đẩy rượu bia thấm nhanh vào niêm mạc dạ dày hơn bình thường, làm bạn nhanh say, mệt mỏi, nhức đầu.
Bạn nên để cơ thể nghỉ ngơi, uống một ly nước chanh gừng nóng không đường pha chút muối sau khi uống rượu bia. Một số thực phẩm như bột sắn dây với ít muối, ăn cháo loãng, súp lỏng, nước ép rau cần... giúp giải bớt lượng cồn trong cơ thể và chống cảm lạnh.
Sau khi nhậu không nên uống cà phê để tránh căng thẳng thần kinh, ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây kiệt sức, rối loạn tiêu hóa hoặc tổn thương gan cấp tính. Chế độ làm việc, nghỉ ngơi, dinh dưỡng, vận động hàng ngày khoa học, cân đối cũng giúp bạn tăng cường sức khỏe cho gan.
Bạn nên khám sức khỏe định kỳ, sử dụng thêm các tinh chất thiên nhiên an toàn, được kiểm chứng khoa học để tăng cường và củng cố chức năng của lá gan nếu phải uống rượu bia thường xuyên.
Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Đình Thành
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |