Trả lời:
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, khuyết tật trên thế giới. Tầm soát đột quỵ định kỳ giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa, điều trị.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như tăng huyết áp, tiểu đường, tuổi tác, hút thuốc lá, béo phì, cholesterol trong máu cao...
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ít gặp như gene di truyền, hẹp động mạch cảnh ngoài sọ. Hai nguy cơ này có thể phát hiện khi tầm soát.
Với nguy cơ đột quỵ do gene di truyền, để tầm soát, bác sĩ lấy niêm mạc má (lớp tế bào biểu bì phủ bên trong khoang miệng) hoặc thực hiện các xét nghiệm máu liên quan. Nếu kết quả cho thấy bạn có yếu tố đột quỵ do di truyền, bác sĩ hướng dẫn cách điều trị dự phòng.
Tầm soát hẹp động mạch cảnh ngoài sọ bằng cách chụp cộng hưởng từ (MRI) mạch máu, chụp cắt lớp vi tính (CT) có thuốc cản quang để đánh giá. Trường hợp bị hẹp động mạch cảnh, điều trị dự phòng đột quỵ bằng cách phẫu thuật.
Kỹ thuật chụp MRI, CT bằng thế hệ máy hiện đại cũng phát hiện được những bất thường ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng. Các bất thường này có thể ở mạch máu não, nhu mô não, cục máu đông...
Khi tầm soát đột quỵ nói chung, bác sĩ khám, hỏi tiền sử bệnh, bệnh lý nền, kiểm tra các chỉ số cơ bản như huyết áp, nhịp tim. Một số dấu hiệu khác như suy giảm khả năng nhận biết hoặc phản ứng, mất cân đối giữa hai bên mặt, nói khó.
Tùy tình trạng của từng người, bác sĩ chỉ định thêm các phương pháp chuyên sâu khác. Ví dụ, đo điện tim thường (ECG), siêu âm Doppler mạch cảnh để kiểm tra mức độ hẹp của các mạch máu.
Siêu âm Doppler tim nhằm phát hiện sớm các bất thường ở buồng tim và bệnh lý van tim bẩm sinh hay mạch vành. Xét nghiệm máu giúp kiểm tra yếu tố nguy cơ như cholesterol cao, đái tháo đường, rối loạn điện giải.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức
Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thể gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ tư vấn.