Bà Thu (72 tuổi ngụ quận Bình Tân, TP HCM) bị sa tử cung, trực tràng độ IV - mức độ nặng nhất, cổ tử cung viêm nặng. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp 18 năm, thiếu máu cơ tim, hở van tim. 8 năm trước bà mắc thêm bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ...
"Bà Thu sinh 6 người con liên tiếp từ lúc 25 tuổi. Phụ nữ sinh đẻ liên tục khiến hệ thống cơ sàn chậu và dây chằng vùng đáy chậu chưa kịp phục hồi đã tiếp tục chịu lực nặng của các lần mang thai kế tiếp. Đây là nguyên nhân gây sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng", BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết.
Bà Thu từng thăm khám tại nhiều bệnh viện nhưng do lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, cần sự phối hợp đa chuyên khoa, nên việc phẫu thuật bị trì hoãn.
Tại BVĐK Tâm Anh TP HCM, bệnh nhân được bác sĩ điều trị ổn định huyết áp, rối loạn đường huyết trước khi phẫu thuật. Sau 4 ngày điều trị, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa tiến hành cắt tử cung qua ngả âm đạo, điều trị khối sa, tân trang vùng kín cho người bệnh.
Sau mổ một ngày, bà Thu có thể ngồi và đi lại thoải mái. Trước kia bà không thể ngồi nếu ghế không có nệm lót, chỉ đi loanh quanh trong nhà. "Xuất viện tôi sẽ đi thăm người thân, xóm làng, ra đường tập thể dục mỗi chiều. Đây là những sinh hoạt bình thường tôi phải từ bỏ 7 năm qua", bà nói.
Thời gian qua, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân lớn tuổi (từ 70-90 tuổi) sa tử cung. Họ phát hiện khối sa kéo dài 5-20 năm nhưng chưa được điều trị hoặc điều trị thất bại vì mắc nhiều bệnh nền. Khối sa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ.
"Sa tử cung mức độ 3, 4 có thể điều trị cắt bỏ hoàn toàn tử cung. Tuy nhiên với người lớn tuổi, sức khỏe suy giảm, nhiều bệnh nền thì phẫu thuật tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khi đó, cần có sự phối hợp liên chuyên khoa để điều trị ổn định bệnh lý nền trước khi phẫu thuật", bác sĩ Mỹ Nhi giải thích.
Mới đây, bệnh viện thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân 90 tuổi, sa tử cung độ II, sa trực tràng độ IV. Cụ bà trải qua 5 lần sinh nở, mắc nhiều bệnh nền như viêm đường tiết niệu, thoái hóa khớp, tăng huyết áp, suy mạch.
Trường hợp khác, bệnh nhân 75 tuổi, (Tây Ninh) bị sa tử cung độ IV kéo dài 10 năm. Các bác sĩ dùng kỹ thuật nội soi qua ổ bụng để phẫu thuật treo nâng cố định vùng sàn chậu, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.
Sa tử cung ít nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và tâm lý ở người già. Ngoài nguyên nhân sinh nở, tác động lão hóa và rối loạn dinh dưỡng ở người già dẫn tới hệ thống treo, nâng cơ tử cung suy yếu.
Bác sĩ Bình Lụa cho biết, bệnh tiến triển chậm, chia làm 4 cấp độ. Trong đó, mức độ 3-4 thường rất nặng, cổ tử cung sa ra ngoài, viêm nhiễm, có thể chảy máu, chảy dịch.
Bệnh có triệu chứng báo hiệu gồm són tiểu khi ho, hắt hơi, đau nhức lưng, âm đạo tiết dịch bất thường, đau khi giao hợp, tiểu nhiều, táo bón, thấy khối sa khi làm việc nặng... Ở giai đoạn nặng, phụ nữ có thể cảm nhận khối phồng ở âm đạo xuất hiện thường trực.
Phụ nữ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách tập luyện Kegel sau sinh, tránh mang vác nặng, hạn chế sinh dày, sinh con khi quá trẻ hoặc sinh con muộn, tăng cường tập thể dục như yoga, chạy bộ, hoặc thiền.
Sa tử cung điều trị bằng phẫu thuật và không phẫu thuật. Cắt toàn bộ tử cung hoặc bán phần được áp dụng trong những trường hợp nặng. Phẫu thuật treo tử cung qua nội soi ổ bụng, mở bụng hở hoặc ngả âm đạo giúp phục hồi sàn chậu, ứng dụng rộng rãi.
Tuệ Diễm