Bé có bị tụ máu trong não không? (Trà My, 34 tuổi, Quảng Nam)
Trả lời:
Trẻ ngã đập đầu, đau, khóc một lúc là phản ứng bình thường. Sau ngã, trẻ vẫn chơi, ăn uống, đi lại, vận động như mọi ngày, phụ huynh chỉ cần tiếp tục theo dõi trẻ trong 24-48 giờ, chưa cần chụp CT não. Tuy nhiên, trẻ ngã va đập ở đầu nên được bác sĩ khám sớm để tìm dấu hiệu chấn thương. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bố mẹ dấu hiệu trở nặng vì trẻ chưa có khả năng nhận biết khi cơ thể bất thường.
Tai nạn ngã, chấn thương ở vùng đầu dễ xảy ra ở trẻ em, nhất là độ tuổi từ 4 tháng đến 4 tuổi, khi bé lật, tập bò, đi, vui đùa, chạy nhảy... Trường hợp không may xảy ra chấn thương vùng đầu, phụ huynh nên bình tĩnh, kiểm tra, rửa sạch vết thương, dùng gạc cầm máu nếu vùng da đầu trầy xước chảy máu. Khi trẻ bị sưng, bầm, cha mẹ nên chườm đá lạnh ngay chỗ sưng trong 15-20 phút giúp con bớt đau. Nếu bé vẫn còn sưng, bầm, phụ huynh tiếp tục chườm thêm 2-3 lần trong ngày.
Hầu hết tai nạn do té, chấn thương vùng đầu, chủ yếu nhẹ, gây sưng, chảy máu do rách da đầu. Một số biến chứng ít gặp như nứt xương sọ, chấn động não. Tùy vào mức độ chấn thương nhẹ, nặng nhất có thể gây xuất huyết não. Biến chứng nguy hiểm này có thể xảy ra chậm sau một vài ngày hoặc vài tuần ảnh hưởng đến tri giác, thần kinh.
Phụ huynh nhận biết một số biểu hiện nguy hiểm sau khi trẻ ngã đập đầu như ngất, nôn ói nhiều lần, có dấu hiệu tê, yếu liệt tay chân đi không vững. Đồng thời, bé lừ đừ mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt kéo dài, khóc nhiều cần phải đưa đến bệnh viện khám ngay. Với những biểu hiện trên, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT, MRI não kiểm tra, đánh giá mức độ chấn thương, từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp.
Rất khó để phòng ngừa tai nạn té ngã ở trẻ em, song phụ huynh lưu ý một số điều dưới đây để hạn chế, bảo vệ trẻ.
Ưu tiên cho trẻ nhỏ nằm giường thấp, hạn chế ngủ võng. Phòng sinh hoạt của trẻ nên giảm đồ vật góc cạnh hoặc các kệ tủ cao có nguy cơ đổ sập khi bé leo trèo. Phụ huynh nên trải thảm xốp mềm quanh phòng, đầu giường nhằm giảm nguy cơ va đập khi con tập bò, tập đi.
Với trẻ đã biết đi, phụ huynh nên trang bị dép chống trơn trượt. Trẻ lớn 3-5 tuổi cần đội mũ bảo hiểm khi tập xe đạp, chơi patin hoặc các môn thể thao dễ va đập. Thời điểm này, phụ huynh cũng cần giáo dục con về mối nguy hiểm các trò leo trèo, rượt đuổi nhau.
BS.CKII Dương Anh Dũng
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |