Tôi nên làm gì nếu thai vẫn bị phù? (Hoàng Ngân, 25 tuổi, An Giang)
Trả lời:
Phù thai là bệnh lý nghiêm trọng xảy ra với thai nhi khi chất lỏng tích tụ bất thường tại hai hoặc nhiều khoang trong cơ thể như khoang phúc mạc, màng phổi, màng tim và da. Phù thai có tỷ lệ mắc khá thấp, xảy ra ở 1/1.000 ca sinh, song dễ tử vong.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như nhiễm trùng bào thai do thai phụ nhiễm virus rubella, cytomegalovirus (CMV) hoặc một số nhóm herpes, nhiễm giang mai. Tình trạng này còn có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh, bất thường về nhiễm sắc thể, bất thường về di truyền, bất thường tim... Bệnh còn có thể do nhóm máu của người mẹ và thai nhi không tương thích với nhau, bệnh Hb Bart’s, thiếu hụt men G6PD...
Tình trạng này có thể được chẩn đoán và theo dõi bằng bằng siêu âm khi phụ nữ khám thai định kỳ. Triệu chứng nhận biết hiện tượng phù là thai đa ối, nhau thai quá lớn, bất thường ở nhau.

Siêu âm tầm soát dị tật thai 12 tuần tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Trường hợp của chị, siêu âm 11 tuần đã ghi nhận phù nhau thai, song chưa rõ nguyên nhân nên cần đến bác sĩ khám, không cần đợi mốc 12 tuần. Xét nghiệm máu thai nhi, chọc ối, sinh thiết nhau thai giúp xác định chính xác tình trạng thai phụ. Từ đó, bác sĩ tư vấn hướng điều trị.
Điều trị phù thai tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện, nguyên nhân gây bệnh. Hiện có một số phương pháp can thiệp tiền sản có thể thực hiện như truyền máu nội mạc tử cung và thủ thuật chọc dịch màng phổi, màng bụng. Một số trường hợp phù thai do miễn dịch có thể ngăn ngừa và chữa trị bằng cách tiêm thuốc miễn dịch cho mẹ có nhóm máu Rh âm trong khi mang thai và 72 giờ sau sinh.
Đa số trường hợp phù thai được chỉ định sinh sớm, ngay sau sinh bé có thể cần hồi sức máy trợ thở, thuốc để kiểm soát suy tim. Bé có thể được truyền máu bổ sung sau sinh.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi
Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |