Virus gây u nhú ở người HPV (Human papillomavirus) là nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) rất phổ biến. Hầu như người có quan hệ tình dục đều nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời, nhưng thường không có triệu chứng. Có hơn 200 chủng HPV, trong đó khoảng 40 chủng có thể gây mụn cóc sinh dục hoặc ung thư ở người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính năm 2019 có 620.000 ca ung thư mới ở phụ nữ và 70.000 ca ở nam giới do HPV gây ra. Ung thư cổ tử cung chiếm hơn 90% các bệnh ung thư liên quan đến HPV ở phụ nữ.
Khi nhiễm HPV, cơ thể có thể loại bỏ virus tự nhiên. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ, phần lớn các trường hợp nhiễm HPV đều bị hệ miễn dịch loại bỏ trong vòng hai năm. Nhiều người nhiễm không có triệu chứng và đã loại bỏ được virus mà không biết.
Dù không có phương pháp chính xác nào giúp cơ thể chống lại HPV nhưng tăng cường sức khỏe và duy trì hệ miễn dịch mạnh mẽ là điều cần thiết để bảo vệ cơ thể trước nhiễm trùng. Các nghiên cứu chỉ ra người dưới 30 tuổi thường có phản ứng miễn dịch mạnh, tỷ lệ loại bỏ HPV cao nhất.
Dưới đây là 4 cách đơn giản để tăng cường hệ thống miễn dịch khi nhiễm HPV.
Bỏ thuốc lá
Người đang nhiễm HPV nên cố gắng bỏ thuốc lá. Hút thuốc làm giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể, bao gồm HPV. Người hút thuốc cũng có nguy cơ mắc nhiều chủng HPV hơn. Nên hạn chế uống rượu, ngủ nhiều, tích cực vận động, duy trì cân nặng lành mạnh, theo CDC Mỹ.
Hạn chế căng thẳng
Nồng độ hormone căng thẳng của cơ thể tăng lên khiến hệ thống miễn dịch không hoạt động tốt như bình thường. Điều chỉnh lối sinh hoạt, tăng cường hoạt động như tập yoga, kết nối bạn bè, thiền định để giảm căng thẳng.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Một số loại vitamin B nhất định có hiệu quả trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch bao gồm riboflavin (B2), thiamine (B1), vitamin B12 và folate. Thực phẩm cung cấp vitamin này như sữa và phô mai; rau, nhất là rau lá xanh như rau cải bó xôi, cải xoăn; thịt gà, thịt lợn, thịt bò; trứng; cá và động vật có vỏ; các loại ngũ cốc.
Phòng tránh các bệnh tình dục khác
Nếu vẫn quan hệ tình dục, bạn có thể mắc một loại STI khác, làm suy yếu thêm hệ miễn dịch. Chung thủy với một bạn tình và sử dụng biện pháp bảo vệ để giảm nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Mụn cóc sinh dục rất dễ lây truyền qua tiếp xúc da kề da nên người mà bạn quan hệ cũng cần xét nghiệm để xác định có nhiễm HPV không.
Dù đã bị nhiễm HPV, tiêm vaccine vẫn giúp phòng tránh mắc các chủng virus khác, bao gồm cả những chủng nguy cơ cao có thể dẫn đến ung thư.
Hầu hết trường hợp nhiễm HPV đều biến mất mà không cần điều trị. Người nhiễm HPV nên gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị nếu cần.
Hiện nữ giới có thể phát hiện nhiễm HPV thông qua xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ. Không có xét nghiệm HPV cho nam giới. Tuy nhiên, nếu bạn hoặc bạn tình nhận thấy mụn cóc ở bộ phận sinh dục nên đến bác sĩ khám.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)