BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, BVĐK Tâm Anh TP. HCM cho biết, hầu hết mụn cóc ở chân do một trong số 100 chủng virus u nhú ở người (HPV) gây ra. Chúng là những sẩn nhỏ, phẳng hoặc sần sùi, thường xuất hiện ở mu bàn chân và gót chân (những vùng chịu nhiều áp lực khi di chuyển nhất).
Một số cách thức lây truyền HPV gây mụn cóc ở chân gồm:
Trầy xước: Ngã, đứt tay hoặc vô tình làm trầy xước da dẫn đến vết thương hở, tạo điều kiện cho HPV xâm nhập, lây lan, hình thành mụn cóc trên da. Các trường hợp nhiễm trùng vết xước chủ yếu xảy ra khi trẻ em hiếu động, nghịch ngợm đất cát, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
Rối loạn chuyển hóa: Người bị rối loạn chuyển hóa (tiểu đường, mỡ máu cao...) hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu (trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người bị lao phổi, HIV...) dễ bị nhiễm HPV.
Tiếp xúc với bệnh nhân: Mụn cóc có thể lây truyền nếu tiếp xúc trực tiếp với người mang virus. Sau khi nhiễm bệnh, mụn cóc có thể xuất hiện và lan sang bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
Tình dục: Tùy theo vùng da tiếp xúc mà mụn có thể mọc ở bộ phận sinh dục, mặt, cổ, chân, niêm mạc miệng...
Tự lây nhiễm: Một vài mụn cóc ban đầu sẽ lan rộng sang các vùng da lân cận hoặc những vùng da có tiếp xúc trực tiếp, tạo thành nhiều mụn cóc nhỏ li ti.
Mụn cóc ở chân tuy không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng làm người bệnh đau nhức, vì chúng thường nằm ở nơi bị chèn ép khi đi bộ hoặc chạy. Tình trạng này có thể biến mất sau 3-6 tháng nhưng đa phần tồn tại dai dẳng, gây khó chịu nếu người bệnh không điều trị sớm.
Tuy nhiên, BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, không phải ai tiếp xúc với HPV cũng sẽ mắc bệnh. Tùy vào hệ thống miễn dịch của mỗi người mà mụn có khả năng phát triển hay không. Mụn cóc có thể xuất hiện ở những vị trí sau:
Lòng bàn chân: Không giống các loại mụn cóc khác, mụn cóc ở lòng bàn chân có kết cấu phẳng, không nhô lên, hình dạng một lỗ nhỏ, bao xung quanh là lớp sừng cứng, có thể phát triển thành cụm, khiến việc đi lại trở nên khó khăn.
Gót chân: Mụn cóc ở gót chân thường là mụn cơm, có hình tròn, bao quanh lớp sừng dày, ở giữa là điểm đen do mao mạch tăng sinh và tắc nghẽn.
Ngón chân: Những nốt sẩn màu da hoặc nâu, bề mặt thường xuất hiện các chấm đen nhỏ. Cũng như mụn cóc ở tay, sau một thời gian, mụn cóc ở chân sẽ phát triển và tăng dần kích thước.
Kẽ ngón chân: Mụn cóc có thể mọc đơn lẻ hoặc thành cụm, dày, sần sùi giống như những vết chai ở lòng bàn chân hoặc có nhiều chấm đen được cấu tạo bởi các mạch máu nhỏ trên bề mặt.
Móng chân: Mụn cóc có thể xuất hiện ở vùng da quanh móng chân. Ban đầu, vết mụn có kích thước nhỏ nhưng theo thời gian, chúng dần phát triển lớn và lan sang các khu vực lân cận, có hình giống như bông cải sần sùi, gây đau, thậm chí nứt móng.
Mụn cóc sau một thời gian phát triển gây đau đớn, khó khăn khi đi lại. Bệnh có thể điều trị nhanh chóng bằng các thủ thuật như: đốt điện, tiểu phẫu, laser, nito lỏng... Do đó, khi phát hiện bị mụn cóc, người bệnh nên đến chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Phương Hoa