HPV không phổ biến
HPV (Human papillomavirus) là virus gây u nhú ở người lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến. Hầu như người có hoạt động tình dục đều nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời, nhưng thường không có triệu chứng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2019 ước tính có 620.000 ca ung thư mới ở phụ nữ và 70.000 ca ung thư mới ở nam giới do HPV gây ra. Ung thư cổ tử cung chiếm hơn 90% các bệnh ung thư liên quan đến HPV ở phụ nữ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HPV bao gồm quan hệ tình dục lần đầu trước 18 tuổi, có nhiều bạn tình hoặc chỉ một bạn tình nhưng người này có nhiều bạn tình và bị nhiễm virus.
HPV chỉ lây qua quan hệ tình dục
HPV lây lan qua tiếp xúc da kề da, thường là khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng. Virus cũng có thể lây nhiễm qua việc cọ xát hoặc chạm vào bộ phận sinh dục. Người nhiễm HPV có thể truyền bệnh cho người khác ngay cả khi họ không có triệu chứng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, có thể mất vài tuần hoặc thậm chí nhiều năm sau khi quan hệ tình dục với người nhiễm virus mới xuất hiện triệu chứng như mụn cóc sinh dục. Do đó, đôi khi khó xác định được thời điểm nhiễm HPV. 90% trường hợp HPV tự biến mất mà không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Nhiễm HPV sẽ mắc ung thư cổ tử cung
Theo WHO, có hơn 200 chủng HPV nhưng khoảng 40 chủng có thể gây mụn cóc sinh dục hoặc ung thư ở người.
Mụn cóc sinh dục do các chủng có nguy cơ thấp gây ra, chủ yếu là chủng 6 và 11. Các chủng có nguy cơ cao với sức khỏe bao gồm HPV 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, thường liên quan đến các loại ung thư gồm ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư miệng, ung thư dương vật, ung thư âm hộ.
Tuy nhiên, người được chẩn đoán nhiễm loại nguy cơ cao (như HPV16 và 18) không có nghĩa sẽ bị ung thư. Hầu hết trường hợp có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Ở những người nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao nhiều năm không khỏi, virus có thể làm biến đổi tế bào, dẫn đến ung thư.
Tiêm vaccine sẽ ngăn ngừa hoàn toàn HPV
Vaccine HPV không ngăn ngừa tất cả chủng HPV, nhưng có khả năng bảo vệ cơ thể trước một số chủng nguy cơ cao phổ biến. Tiêm phòng là cách tốt nhất để ngăn ngừa mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác liên quan đến virus này. Vaccine có hiệu quả cao nhất nếu tiêm trước khi tiếp xúc với HPV.
CDC khuyến nghị mọi người tiêm vaccine HPV định kỳ bắt đầu từ 11 hoặc 12 tuổi, hoặc tất cả những người từ 26 tuổi trở xuống chưa được tiêm phòng đầy đủ. Hầu hết mọi người trên độ tuổi này đã tiếp xúc với HPV nên vaccine ít hiệu quả. Tuy nhiên, người từ 27 đến 45 tuổi vẫn có thể tiêm chủng tùy nhu cầu dưới sự tư vấn của bác sĩ. Những người có hệ miễn dịch suy giảm nên tiêm hai hoặc ba liều.
Ngoài ra, để giảm nguy cơ nhiễm HPV, nam và nữ giới nên chung thủy một vợ một chồng, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nam giới cắt bao quy đầu cũng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Không hút thuốc lá để giảm nguy cơ nhiễm HPV kéo dài.
Phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi nên sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ để sớm phát hiện những tổn thương do HPV gây ra.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)