Trả lời:
Thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn giúp giảm triệu chứng bệnh đau đầu. Nếu con bạn đã dùng thuốc giảm đau nhiều ngày mà không khỏi, tốt nhất nên đi khám tại chuyên khoa thần kinh để có hướng điều trị phù hợp. Tránh lạm dụng thuốc giảm đau vì có thể ảnh hưởng xấu tới chức năng gan, thận.
Đau đầu có hơn 200 loại khác nhau, thường được chia thành hai nhóm là đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát.
Đau đầu nguyên phát phổ biến hơn và không bắt nguồn từ bệnh lý tiềm ẩn. Cơn đau chủ yếu do các yếu tố như căng thẳng, sinh hoạt, dinh dưỡng, nghỉ ngơi, sử dụng thiết bị điện tử chưa khoa học, các thụ cảm đau bị kích thích quá mức, gây ra đau đầu do căng thẳng, đau đầu Migraine, đau đầu cụm.
Đau đầu thứ phát ít phổ biến hơn, nguyên nhân xuất phát từ các bệnh thần kinh như zona, viêm não, viêm màng não, mất ngủ, đột quỵ, áp xe não, u não, dị dạng, phình mạch máu não. Các bệnh lý tai mũi họng, viêm xoang, viêm tai giữa, bệnh về mắt, tăng huyết áp, sốt, mất nước, tác dụng phụ của thuốc cũng gây đau đầu.
Để biết chính xác nguyên nhân gây đau đầu, bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng liên quan như xét nghiệm máu, chụp CT, MRI. Các cơn đau đầu thứ phát nếu phát hiện muộn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng.
Đau đầu và mất ngủ có mối liên quan với nhau. Đau đầu là hệ quả của mất ngủ và ngược lại.
Tình trạng đau đầu, mất ngủ xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó có cả học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng. Khi cơn đau đầu có dấu hiệu bất thường như kéo dài, tăng nặng, dùng thuốc giảm đau không hết, kèm buồn nôn, nôn, người bệnh cần đi khám sớm để tìm nguyên nhân chính xác, điều trị kịp thời.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức
Trưởng Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |