Hầu hết phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn không có kinh nguyệt trong 3-6 tháng hoặc lâu hơn, kéo dài đến 18 tháng. Đây là hiện tượng vô kinh khi cho con bú.
ThS.BS Lê Nhất Nguyên, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sau khi cai sữa cho con, kinh nguyệt sẽ quay trở lại, song có nhiều thay đổi nhất định. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của quá trình mang thai và sinh nở tác động đến thay đổi nội tiết, stress hoặc dấu hiệu của bệnh phụ khoa. Tình trạng thiếu ngủ, mệt mỏi... cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Chu kỳ không đều
Kinh nguyệt của phụ nữ sau sinh không đều, có thể kéo dài nếu tiếp tục cho con bú. Ở chu kỳ đầu tiên sau sinh, cục máu đông có thể xuất hiện nhiều hơn trước, nếu không gây đau đớn hoặc đau nhưng rất nhẹ... vẫn được xem là bình thường.
Nếu cục máu đông xuất hiện nhiều, kỳ kinh lên tới một tuần, phụ nữ cần đến bác sĩ khám. Bởi nguyên nhân có thể do không phù hợp với biện pháp tránh thai, mất cân bằng nội tiết tố, có u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung hoặc ung thư.
Rối loạn do tử cung giãn nở
Tử cung của phụ nữ trưởng thành kích thước bằng quả lê, khi mang thai to căng chứa phôi thai, nước ối và nhau. Sự giãn nở quá mức của tử cung có tác động không nhỏ đến chu kỳ kinh nguyệt. Một số phụ nữ trải qua chu kỳ dễ dàng hơn, không còn triệu chứng đau bụng khi đến tháng. Ngược lại, số khác có thể gặp khó khăn hơn do tử cung sau sinh dù co hồi dần nhưng nhìn chung kích thước lớn hơn, có nhiều mô bong ra hơn sau mỗi chu kỳ.
Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung thường trải qua thời kỳ này dễ dàng hơn sau khi mang thai. Tuy nhiên, sự thay đổi này thường chỉ là tạm thời và những cơn đau sẽ quay trở lại sau một vài tháng.
Nhiều triệu chứng bất thường
Kỳ kinh nguyệt sau sinh có thể xuất hiện những triệu chứng như đau bụng dữ dội, lượng máu kinh ra nhiều, máu chảy có màu sắc khác lạ, có mùi hôi... Đây là dấu hiệu cảnh báo cần đến bệnh viện khám ngay.
Ngoài ra, hiện tượng kinh nguyệt bất thường có thể do mắc bệnh phụ khoa như buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung, rối loạn tuyến giáp gây rối loạn kinh nguyệt. Các bệnh như sẹo tử cung, polyp lòng tử cung, u xơ tử cung dưới niêm mạc... cũng tác động đến đến chu kỳ kinh nguyệt.
Phụ nữ nên tuân thủ khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để bác sĩ tầm soát, phát hiện sớm bệnh phụ khoa, điều trị kịp thời.
Tuệ Diễm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |