BS.CKI Mẫu Thị Mai Ngân, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyến cáo, những tuần đầu tiên của thai kỳ được xem là thời điểm quan trọng cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Khi phát hiện bị trễ kinh và thử que cho hai vạch thì lúc này thai nhi đã ở trong tử cung. Do đó, thai phụ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học ngay từ thời điểm này, có thể tham khảo sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.
Tam cá nguyệt đầu tiên
Đặt lịch hẹn khám thai định kỳ
Theo bác sĩ Mai Ngân, ngay khi biết mình mang thai, thai phụ nên đặt lịch khám và theo dõi thai kỳ tại cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ sản khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại để được theo dõi và chăm sóc suốt thai kỳ.
Trong tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ bầu cần lưu ý các mốc khám thai gồm: ngay sau trễ kinh 1-2 tuần, giai đoạn thai 7-8 tuần và 11-13 tuần 6 ngày. Người mẹ sẽ được kiểm tra cân nặng, huyết áp, các bệnh nội khoa sẵn có... được tính ngày dự sinh dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối và siêu âm ba tháng đầu thai kỳ. Siêu âm ở mốc 11-13 tuần 6 ngày giúp đo độ mờ da gáy (NT) và khảo sát các bất thường giai đoạn sớm của thai nhi. Bên cạnh đó, thai phụ cũng sẽ được làm xét nghiệm máu để đánh giá sức khỏe mẹ và xét nghiệm sàng lọc nguy cơ bất thường số lượng nhiễm sắc thể của thai (Combined Test, NIPT).
Ngoài ra, thai phụ cũng cần tránh xa các yếu tố không có lợi cho mẹ và thai như rượu, thuốc lá, hóa chất, sóng điện thoại... Đồng thời, không nên quan hệ vợ chồng khi có động thai hoặc cảm thấy không khỏe trong người.
Đảm bảo dinh dưỡng và giấc ngủ
Các triệu chứng ốm nghén thường xuất hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên, do đó thai phụ không cần quá lo lắng nếu bản thân trở nên nhạy cảm hơn với mùi vị hoặc khó chịu với một số món ăn. Tuy nhiên, khi tình trạng ốm nghén diễn ra liên tục, mẹ bầu không thể ăn uống được gì thì cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn biện pháp khắc phục, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé.
Ở giai đoạn này, phụ nữ có thể thường xuyên mệt mỏi và kiệt sức. Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo thai phụ cần cố gắng nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc bởi sau đó có thể không còn thời gian nghỉ ngơi vì phải chăm sóc bé.
Tam cá nguyệt thứ hai
Đối với nhiều phụ nữ, đây có thể là giai đoạn thoải mái nhất trong hành trình mang thai. Bác sĩ Mai Ngân lưu ý, thai phụ cần khám thai theo lịch hẹn, làm siêu âm 3D, 4D để khảo sát hình thái thai nhi ở tuần 20-24, và làm xét nghiệm dung nạp đường ở tuần 24-28.
Về dinh dưỡng, người mẹ cần bổ sung đầy đủ thịt, cá, trứng, sữa, vitamin, canxi, các thực phẩm giàu chất xơ và uống đủ nước. Đồng thời, thực hiện các bài tập thể dục để duy trì sức khỏe, sức đề kháng, duy trì mức tăng cân hợp lý và vẻ đẹp trong suốt thai kỳ. Phụ nữ nên tham gia các lớp yoga cho bà bầu, tập thể dục sàn chậu dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Đọc sách và cho bé nghe nhạc là cách thai giáo hữu hiệu mà thai phụ nên áp dụng để giúp phát triển trí thông minh của bé. Ngoài ra, trong giai đoạn này, người mẹ sẽ được các bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng bệnh uốn ván, cúm, ho gà...
Chuẩn bị đồ cho em bé
Khi sang tam cá nguyệt thứ ba, hầu hết thai phụ sẽ mệt mỏi hơn khi chuẩn bị sinh con nên không có thời gian cho việc này. Do đó, sắm sửa tất cả đồ đạc, quần áo cho bé thường được bắt đầu từ tháng 6 thai kỳ trở đi hoặc sớm hơn.
Dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa
Sau khi sinh con, phụ nữ sẽ trở nên rất bận rộn, khó có thể làm bất cứ việc gì khác. Do đó, gia đình nên thu xếp việc mọi việc cần làm ngay từ giai đoạn này như dọn dẹp nhà cửa, thu dọn những đồ đạc cũ không còn dùng đến; bố trí, thiết kế không gian nhỏ cho bé... Mẹ bầu chỉ nên làm những việc nhẹ nhàng, không tốn quá nhiều công sức để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Tam cá nguyệt thứ ba
Đến tam cá nguyệt thứ ba, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị những điều dưới đây.
Khám thai theo lịch hẹn
Từ 36-37 tuần 6 ngày, thai phụ sẽ được làm các xét nghiệm tầm soát liên cầu trùng nhóm B (GBS). Từ tuần 36 trở đi, thai nhi sẽ được đánh giá sức khỏe bằng biểu đồ NST, CTG.
Ở giai đoạn này, người mẹ cần chú ý đếm cử động thai, điều này sẽ giúp theo dõi tốt sự hiện hữu của bé bên cạnh mẹ. Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện các bài tập thể dục vừa sức, ăn các thực phẩm đa dạng, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, đạm, vitamin, khoáng chất cho cả mẹ và bé.
Tham gia lớp học tiền sản
Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo, các cặp đôi chưa có kinh nghiệm sinh con lần đầu nên tham gia lớp học tiền sản để được hướng dẫn nhận biết cơn chuyển dạ, cách hít thở, giảm đau khi chuyển dạ, cách nhanh phục hồi sau sinh và những lưu ý chăm sóc bé trong những ngày đầu tiên... "Tốt nhất, người chồng cũng nên tham gia lớp học cùng vợ để có thể hiểu được những điều vợ sẽ trải qua", bác sĩ Ngân nói.
Quyết định thời gian nghỉ để sinh con
Hầu hết thai phụ vẫn có thể làm việc đến cuối thai kỳ, tuy nhiên một số trường hợp có vấn đề sức khỏe hoặc có nguy cơ sinh sớm cần quyết định thời gian nghỉ chờ sinh sớm hơn. Thai phụ có thể tham khảo tư vấn của bác sĩ, cân nhắc thời gian nghỉ thai sản để quyết định thời gian nghỉ sinh con hợp lý, chuẩn bị sức khỏe tốt để có cuộc "vượt cạn" an toàn.
Chuẩn bị đồ đi sinh
Đồ dùng, vật dụng cho mẹ rất cần thiết trong hành trình đi sinh. Tuy nhiên, thai phụ không cần chuẩn bị quá nhiều vì khi nhập viện, bệnh viện sẽ cung cấp quần áo chuyên dụng.
Đối với bé sơ sinh, trong khoảng thời gian lưu viện, bé sẽ mặc quần áo được hấp vô trùng tại bệnh viện. Phòng trường hợp bé thường xuyên nôn trớ hoặc đi vệ sinh, gia đình có thể chuẩn bị thêm một số quần áo cho bé.
Chuẩn bị tốt tâm lý để sinh con
Theo bác sĩ Mai Ngân, lo lắng và sợ sệt là tâm lý chung thường thấy ở hầu hết thai phụ trước khi sinh, đặc biệt là những thai phụ sinh con lần đầu. Một cuộc sinh nở có thể kéo dài 8-10 tiếng. Khi cơn gò tử cung xuất hiện, mẹ bầu cần cố gắng giữ bình tĩnh, hít thở sâu mỗi khi thấy đau, tập trung suy nghĩ về những điều khác như chuyến du lịch, nấu nướng... để giúp thư giãn và sinh con nhanh hơn.
Chăm sóc giai đoạn sau sinh
Để cơ thể mẹ sớm hồi phục sau sinh và chăm sóc con một cách tốt nhất, việc chăm sóc giai đoạn hậu sản cần chú ý một số vấn đề.
Đối với người mẹ
Bác sĩ Mẫu Thị Mai Ngân cho biết, sau khi sinh, cơ thể người mẹ sẽ dần khôi phục lại những điều đã thay đổi trong quá trình mang thai và sinh nở, đồng thời tạo sữa để nuôi con. Do đó, mẹ cần được nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý, tránh stress, trầm cảm sau sinh, và có chế độ ăn uống khoa học để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bé thông qua sữa mẹ.
Đối với bé sơ sinh
Theo bác sĩ Ngân, việc chăm sóc bé sơ sinh là việc khó khăn nhất đối với nhiều ông bố bà mẹ, nhất là những cặp đôi sinh con đầu lòng. Bố mẹ cần chú ý đến giấc ngủ của bé, nhưng nếu bé ngủ quá nhiều (hơn 16 tiếng/ngày) cần liên hệ ngay với bác sĩ bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng sơ sinh.
Bên cạnh đó, trong vòng một tuần sau sinh, một số bé sẽ có biểu hiện vàng da sơ sinh. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng vàng da kéo dài, bố mẹ hãy báo ngay với bác sĩ để có phương án can thiệp kịp thời.
Với những cặp vợ chồng lần đầu sinh con, việc lựa chọn cơ sở y tế có chuyên khoa sản, kết hợp đơn vị sơ sinh, tim bẩm sinh... đóng vai trò quan trọng. Điều này giúp chăm sóc thai kỳ toàn diện để quá trình mang thai trở nên nhẹ nhàng, mẹ sinh con an toàn và thuận lợi, em bé phát triển khỏe mạnh.
Thúy Nguyễn