Canxi oxalate là hợp chất kết tinh khi oxalate liên kết với canxi. Khi nồng độ canxi và oxalate trong nước tiểu tăng cao kéo dài, các tinh thể có thể tạo thành khối rắn là sỏi thận. Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ, sỏi canxi oxalate là loại sỏi thận phổ biến nhất. Khoảng 75% trường hợp sỏi thận được tạo thành một phần hoặc toàn bộ từ canxi oxalate.
Oxalate còn được gọi là axit oxalic, có nguồn gốc từ thực phẩm hoặc được sản xuất khi gan phân hủy (chuyển hóa) vitamin C và axit amin. Oxalate được coi là một sản phẩm thải. Trong trường hợp bình thường, oxalate liên kết với canxi trong ruột và được bài tiết qua phân. Lượng oxalate dư thừa, không liên kết nào sẽ được hấp thụ vào máu và bài tiết qua thận trong nước tiểu.
Canxi cũng rời khỏi cơ thể qua nước tiểu và phân. Trong số canxi đi qua thận, phần lớn được tái hấp thu vào máu để tái sử dụng trong cơ thể, chỉ một phần rất nhỏ được bài tiết qua nước tiểu. Sỏi canxi oxalate có thể hình thành nếu các hệ thống này bị phá vỡ do có quá nhiều oxalate và canxi trong nước tiểu, quá ít canxi trong ruột để oxalate liên kết hoặc lượng nước tiểu quá ít.
Chế độ ăn uống quá nhiều thực phẩm có chứa oxalate là một trong những nguyên nhân thúc đẩy hình thành sỏi canxi oxalate bằng cách làm tăng nồng độ canxi và oxalate. Chế độ ăn nhiều protein, natri và sirô ngô có hàm lượng fructose cao cũng làm tăng bài tiết oxalate qua nước tiểu.
Một số loại thực phẩm này giàu oxalate nên hạn chế để tránh tái phát hình thành sỏi gồm quả bơ, củ cải đường, nước ép cà rốt, chocolate, cacao, bột ngô, đậu bắp, đậu phộng, khoai tây, mâm xôi, đậu nành, khoai lang, trà. Những thực phẩm nên tránh hoàn toàn, nhất là với người có tiền sử tái phát sỏi thận gồm cải cầu vồng, rau cải bó xôi, khế.
Người bệnh có thể ăn một số loại thực phẩm chứa oxalate bằng cách nấu chín thay vì ăn sống. Luộc là cách hiệu quả nhất giúp giảm hàm lượng oxalate trong rau tới 50%. Hấp kém hiệu quả hơn nhiều và nướng có rất ít có tác dụng giảm lượng oxalate. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, bởi hấp thu nhiều natri có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu, tạo điều kiện hình thành sỏi.
Kiểm soát lượng protein ít hơn 30% tổng lượng calo hàng ngày. Protein rất cần thiết cho chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng lạm dụng có thể tạo sỏi. Bổ sung lượng canxi thích hợp với độ tuổi trong chế độ ăn uống. Quá ít canxi có thể khiến nồng độ oxalate tăng lên. Nên chọn các thực phẩm chứa canxi như sữa, sữa chua, phô mai, các loại rau xanh đậm và hạt thay vì thực phẩm bổ sung. Bổ sung vitamin D mỗi ngày để cơ thể hấp thụ nhiều canxi hơn. Thực phẩm giàu vitamn D như các loại cá béo, nấm, phô mai.
Một số chuyên gia cũng khuyến khích chế độ ăn DASH. Đây là chế độ ăn dành cho những người bị huyết áp cao, tập trung vào rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, đậu, cá và gia cầm. Theo một nghiên cứu năm 2014 trên Tạp chí Bệnh thận Mỹ, chế độ ăn DASH làm giảm tình trạng nồng độ canxi và oxalate trong thận, giảm nguy cơ hình thành tinh thể canxi oxalate. Chế độ ăn kiêng này cũng có hiệu quả giảm cân, giảm lượng natri và protein hấp thụ nên có lợi cho người bị sỏi canxi oxalate.
Nhìn chung, sỏi canxi oxalate nhỏ hơn 4 mm có khả năng tự đào thải khỏi cơ thể. Sỏi có kích thước lớn hơn có thể cần phải can thiệp y tế như phẫu thuật, nội soi tán sỏi. So với các loại sỏi thận khác, sỏi canxi oxalate là loại dễ tái phát nhất. Để hạn chế tình trạng này, ngoài chế độ ăn trên, người bệnh nên uống đủ nước, khoảng hai lít mỗi ngày giúp tăng lượng nước tiểu và làm loãng nước tiểu ngăn sỏi mới hình thành.
Người béo phì nên giảm cân. Chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 làm tăng sản xuất oxalate trong gan và làm tăng các hợp chất như axit uric, thúc đẩy quá trình kết tinh canxi oxalate. Các loại thuốc như thuốc lợi tiểu và thuốc bổ sung canxi citrate cũng có thể ngăn ngừa sỏi tái phát nếu thay đổi lối sống không có tác dụng.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)