Sỏi thận là bệnh tiết niệu thường gặp, do các khoáng chất trong nước tiểu kết tinh thành. Có nhiều loại sỏi thận, gồm sỏi canxi, sỏi axit uric, sỏi struvite và sỏi cystine.
Tinh thể canxi oxalate là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra sỏi thận, theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Mỹ. Những tinh thể này được tạo thành khi oxalate, một chất có trong thực phẩm, kết hợp với canxi.
Nguyên nhân
Các nguồn cung cấp oxalate trong chế độ ăn uống là rau cải bó xôi và các loại rau lá xanh khác, củ cải, chocolate, đậu bắp. Khoai tây chiên, khoai tây nướng, các loại hạt, sản phẩm từ đậu nành, trà, dâu tây và mâm xôi cũng chứa oxalate.
Khi ăn những thực phẩm này, đường tiêu hóa phân hủy chúng và hấp thụ chất dinh dưỡng. Các chất thải còn sót lại sau đó di chuyển đến thận và được loại bỏ theo nước tiểu. Chất thải từ quá trình phân hủy oxalate được gọi là axit oxalic. Nó có thể kết hợp với canxi để tạo thành tinh thể canxi oxalate trong nước tiểu.
Nước tiểu thường chứa các chất hóa học ngăn cản oxalate kết tinh. Tuy nhiên, người có quá ít nước tiểu hoặc quá nhiều oxalate dẫn đến hình thành sỏi. Lý do có thể là không uống đủ nước, ăn quá nhiều oxalate, protein hoặc muối.
Một số bệnh lý cũng tăng khả năng hình thành sỏi canxi oxalate như cường cận giáp, viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn, phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân, tiểu đường, béo phì...
Triệu chứng
Sỏi thận có thể không gây ra triệu chứng cho đến khi bắt đầu di chuyển qua đường tiết niệu và gây đau.
Các triệu chứng chính của tinh thể canxi oxalate trong nước tiểu là cơn đau ở bên hông, lưng có thể dữ dội, xuất hiện từng đợt, đau khi đi tiểu, máu trong nước tiểu, nước tiểu đục, có mùi hôi, đi tiểu khẩn cấp và liên tục, buồn nôn, ói mửa. Nếu người bệnh bị nhiễm trùng có thể dẫn đến sốt và ớn lạnh.
Chẩn đoán, điều trị
Để xác định người bệnh có sỏi canxi oxalate hay không, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm nước tiểu. Mẫu nước tiểu được thu thập trong 24 giờ để kiểm tra nồng độ oxalate. Mức oxalate bình thường trong nước tiểu là dưới 45 miligam mỗi ngày. Bác sĩ có thể chụp X-quang hoặc CT để kiểm tra có sỏi trong thận hay không.
Những viên sỏi nhỏ có thể tự đào thải qua nước tiểu mà không cần điều trị trong khoảng 4-6 tuần. Uống nhiều nước giúp sỏi đào thải dễ hơn. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc làm giãn niệu quản để sỏi di chuyển khỏi thận nhanh hơn. Thuốc giảm đau giúp người bệnh giảm khó chịu cho đến khi sỏi ra khỏi cơ thể.
Nếu sỏi rất lớn hoặc không tự đào thải ra ngoài, bác sĩ chỉ định các phương pháp can thiệp như tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích, nội soi tán sỏi qua da, mổ mở lấy sỏi thận qua da.
Phòng ngừa
Thay đổi trong chế độ ăn uống có thể phòng ngừa sỏi canxi oxalate bao gồm:
Uống thêm nước, hạn chế muối. Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu, tạo điều kiện hình thành sỏi.
Kiểm soát lượng protein ít hơn 30% tổng lượng calo hàng ngày. Protein rất cần thiết cho chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng lạm dụng có thể tạo sỏi.
Bổ sung lượng canxi thích hợp với độ tuổi trong chế độ ăn uống. Quá ít canxi có thể khiến nồng độ oxalate tăng lên. Lý tưởng là lấy canxi từ các thực phẩm như sữa, phô mai.
Cắt giảm thực phẩm chứa nhiều oxalate hoặc dùng kèm thực phẩm có chứa canxi chẳng hạn một ly sữa. Oxalate liên kết với canxi trước khi đến thận nên không kết tinh trong nước tiểu.
Anh Ngọc (Theo Healthline)