Ngày 12/8, ThS.BS.CKII Phạm Thanh Trúc, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hai quả thận của ông Cường đều có sỏi. Thận phải nhiều sỏi nhỏ, thận trái có viên sỏi lớn kích thước 4,4x3,5 cm hình dạng giống chiếc máy sấy tóc, gọi là loại sỏi san hô.
Kết quả xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm chức năng thận bệnh nhân ghi nhận thận ứ nước độ 3, nhiễm trùng tiểu và suy giảm chức năng thận cấp tính. Bác sĩ Trúc giải thích viên sỏi lớn trong thận trái đã cản trở đường lưu thông nước tiểu, khiến một phần nước bị ứ lại trong thận, dần gây ra thận ứ nước.
Thận ứ nước được chia thành 4 cấp độ theo tính chất nghiêm trọng tăng dần. Độ ba được xếp vào mức độ nặng, đã tổn thương thận. Trường hợp ông Cường, thận ứ nước dẫn đến nhiễm trùng tiểu và suy giảm chức năng thận, cho thấy tình trạng tắc nghẽn nước tiểu trong thận đã diễn ra thời gian dài.
Ông Cường từng bị lao phổi, hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ông cần hai lần điều trị để hoàn toàn sạch sỏi hai bên thận, bởi nếu cuộc mổ kéo dài, thời gian gây mê lâu có thể ảnh hưởng đến chức năng phổi. Lần đầu, bác sĩ xử lý sỏi san hô trong thận trái trước để giải quyết tình trạng thận ứ nước, phục hồi chức năng thận và ngăn nguy cơ tái phát nhiễm trùng tiểu.
Theo bác sĩ Trúc, nội soi tán sỏi qua da (PCNL) là phương pháp tối ưu, ít tổn thương thận, tỷ lệ sạch sỏi cao ngay trong một lần điều trị. Ê kíp sử dụng máy siêu âm và hệ thống chụp X-quang C-Arm để định vị và tạo một "đường hầm" từ trên bề mặt da đi thẳng vào trong thận, tiếp cận viên sỏi. Thiết bị tán sỏi được đưa vào thận, dùng năng lượng laser tán sỏi thành vụn mịn rồi hút ra ngoài.
Sau 150 phút, qua ảnh chụp từ hệ thống C-Arm, các bác sĩ xác định thận trái đã hoàn toàn sạch sỏi. Hai ngày sau, phần thận này của ông Cường không còn ứ nước, chức năng thận phục hồi tốt. Trong 3-4 tuần tới, ông tiếp tục điều trị các viên sỏi nhỏ bên thận phải với phương pháp nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống mềm.
Theo bác sĩ Trúc, ông Cường có cơ địa dễ tạo sỏi nên nguy cơ tái phát sỏi. Người bệnh cần uống nhiều nước 2-3 lít mỗi ngày, giảm ăn mặn, giảm thực phẩm hoặc đồ uống dễ tạo sỏi như thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, rượu bia, nước uống có gas...
Sỏi thận là loại sỏi tiết niệu phổ biến nhất, hình thành từ sự lắng đọng và kết tinh các khoáng chất trong nước tiểu. Những viên sỏi kích thước nhỏ (từ 4 mm trở xuống) thường tự đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Sỏi lớn hơn có thể mắc kẹt trong đài bể thận, tăng dần kích thước theo thời gian và làm tắc nghẽn lưu thông nước tiểu. Khi đó, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như đau tức hông lưng, tiểu ra máu, buồn nôn và nôn, sốt, ớn lạnh... Một số trường hợp không có triệu chứng ngay cả khi sỏi lớn.
Sỏi thận để lâu không điều trị có thể phát sinh biến chứng nguy hiểm như thận ứ nước, nhiễm trùng tiểu, viêm thận, áp xe thận, teo nhỏ nhu mô thận, suy giảm chức năng thận, nhiễm trùng vào máu có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Bác sĩ Thanh Trúc khuyên mọi người khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần để sớm phát hiện sỏi thận hoặc sỏi tiết niệu, điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |