TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ông Vũ Hữu Trung (60 tuổi, ngụ Ninh Bình) là một trong số ít bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn đáp ứng hoàn toàn với phác đồ điều trị này.
Kết quả kiểm tra sau 6 đợt điều trị cho thấy, độ dày thành trực tràng còn 6 mm so với kích thước ban đầu là 15 mm, hạch to nhất cũng giảm từ 30x22 mm còn 5x7 mm, bờ gồ nhẹ. Bệnh nhân không gặp tác dụng phụ từ các đợt hóa trị, ăn ngủ được, đại tiện bình thường và tăng cân tốt. Quá trình phẫu thuật thuận lợi, bác sĩ có thể cắt bỏ hoàn toàn khối u, duy trì chức năng của các cơ quan, đảm bảo chất lượng sống cho bệnh nhân sau điều trị.
Nửa năm trước, ông Trung đi khám hậu Covid-19 tại bệnh viện địa phương, phát hiện có hạch ở thượng đòn trái (vùng cổ). Bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư trực tràng, dạng ung thư biểu mô tuyến xâm nhập, di căn hạch thượng đòn trái, tiên lượng xấu. Ông Trung cho biết, trước khi phát hiện khối u, sức khỏe của ông bình thường.
Tháng 5 vừa qua, ông đến khám tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân có nhiều hạch vùng cổ, hạch lớn nhất kích thước 35x20 mm. Một tổ chức khối u lớn cách rìa hậu môn 10 cm, chiếm gần hết chu vi lòng trực tràng; bề mặt khối u chia múi nham nhở, dễ chảy máu. Ngoài ra, bệnh nhân còn có nhiều hạch to ở ổ bụng, hạch thượng đòn hai bên, hạch trung thất nhưng chưa di căn đến phổi, não. Bác sĩ Khiêm chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn IV.
Trước tình trạng khối u di căn sang nhiều vị trí phức tạp, bác sĩ Khiêm áp dụng phác đồ điều trị bằng kháng thể đơn dòng chống tăng sinh mạch máu Bevacizumab, kết hợp hóa trị trước phẫu thuật, nhằm giảm tăng sinh mạch máu, giảm cấp máu nuôi dưỡng đến khối u, khối u bị "bỏ đói", từ đó dễ dàng bị hóa chất tiêu diệt. Các loại thuốc được sử dụng đều có sẵn tại bệnh viện nên quá trình điều trị đẩy nhanh, không bị đứt quãng, tăng hiệu quả.
"Phác đồ này cũng giúp tăng tỷ lệ đáp ứng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn di căn", bác sĩ Khiêm nói thêm.
Sau điều trị, các chỉ số định lượng chất chỉ điểm ung thư đường tiêu hóa trong máu của bệnh nhân về mức bình thường, 6 hạch vùng tiểu khung không có dấu hiệu tăng sinh nhờ đáp ứng tốt với phương pháp. Bệnh nhân sau đó được phẫu thuật cắt đoạn trực tràng chứa u, nạo vét hạch. Kết quả kiểm tra không còn thấy khối u và tế bào ung thư tại vị trí trực tràng, giải phẫu toàn bộ hạch âm tính.
Bác sĩ Khiêm cho biết, đây là kết quả hết sức ấn tượng, tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có thể đáp ứng với phương pháp này mà phải cá thể hóa tùy từng người bệnh. Kết quả điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mô bệnh học, bộc lộ miễn dịch, kiểu gene, nhất là giai đoạn bệnh, phát hiện sớm khả năng chữa khỏi sẽ cao hơn. Do đó, việc sàng lọc ung thư đại trực tràng có ý nghĩa rất quan trọng.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã thành lập Hội đồng Y khoa - Tumor Board. Sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ, các chuyên gia đầu ngành kết hợp hội chẩn với các bệnh viện ung bướu hàng đầu tại Nhật Bản, Mỹ nhằm lựa chọn phác đồ điều trị cá thể hóa cho từng người bệnh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020, ung thư đại trực tràng xếp thứ 3, với gần 2 triệu ca (chiếm 10%) trong số ca mắc mới và đứng hàng thứ 2 về số ca tử vong với gần một triệu ca (chiếm 9,4%). Tại Việt Nam, năm 2020, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 về cả số ca mới mắc với hơn 16.000 ca (chiếm 9%) và hơn 8.000 ca tử vong (chiếm 6,9%).
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Mai Linh
Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh