Bà cho biết sợ phẫu thuật gây biến chứng câm, mất giọng nên 40 năm qua sống chung với bướu. Ba tháng gần đây bướu lớn nhanh, khó thở hơn đến mức phải ngủ ngồi chứ không thể nằm.
Kết quả chụp CT tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy bướu cổ phát triển ở cả hai thùy tuyến giáp. Trong đó thùy phải có kích thước 8x5 cm, thùy trái 10x6 cm và chùm hạch cổ. Ngày 14/10, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, cho biết bướu cổ của bà Mai lành tính, song kích thước lớn đè ép khí quản chỉ còn 1/3 so với bình thường khiến bà khó thở. Bướu chèn ép động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh, dây thần kinh quặt ngược thanh quản (chi phối giọng nói).
"Khối bướu hình thành 40 năm qua nên nay chai cứng, bám chặt các mô xung quanh, nhiều mạch máu", bác sĩ Tấn cho biết, thêm rằng quá trình phẫu thuật nếu không cẩn thận có thể khiến bệnh nhân bị biến chứng khàn giọng, mất giọng do tổn thương dây thanh quản và các tuyến cận giáp xung quanh.
Êkíp khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ dùng dao siêu âm để phẫu thuật cho bệnh nhân, vừa cắt vừa hàn vết thương cầm máu và bóc tách u khỏi các cơ quan lân cận. Sau phẫu thuật, bà Mai hồi phục sức khỏe tốt, không bị khàn giọng, mất giọng, xuất viện sau 12 tiếng.
Bướu cổ là tình trạng tuyến giáp tăng kích thước hoặc tế bào phát triển bất thường tạo một hay nhiều cục (nhân). Bệnh tuyến giáp phổ biến, xảy ra ở nữ hơn nam giới và khoảng 80% trường hợp lành tính. Trường hợp bướu cổ ảnh hưởng đến chức năng, tăng hay giảm hormone tuyến giáp, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
"Thực tế nhiều người bệnh sau khi mổ bướu cổ bị khàn giọng, mất giọng vĩnh viễn", bác sĩ Tấn nói, giải thích thêm ca phẫu thuật này dễ gây tổn thương dây thanh quản và các tuyến cận giáp xung quanh. Bác sĩ mổ cần có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao và thiết bị máy móc hiện đại.
Nguyên nhân phổ biến gây bướu cổ là thiếu iốt. Một số yếu tố nguy cơ khác như béo phì, kháng insulin, tiền sử gia đình có người bị bướu cổ, cường giáp, từng xạ trị ở vùng cổ hoặc ngực. Phòng bệnh bằng cách bổ sung đủ iốt trong chế độ ăn, khám sức khỏe định kỳ. Người có bướu ở cổ nên đến bác sĩ chuyên khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ để được kiểm tra, từ đó theo dõi và điều trị phù hợp.
Nguyễn Trăm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |