Ông Nam (Quy Nhơn, Bình Định) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng tiểu ra máu đỏ tươi, có khối phồng to vùng bẹn phải, đau tức. Tình trạng tiểu ra máu đã xuất hiện khoảng 10 ngày trước. Bệnh nhân cho biết nghỉ ngơi vài ngày thì tình trạng này biến mất, rồi tái diễn nhiều lần. Bác sĩ bệnh viện địa phương chẩn đoán thoát vị bàng quang qua bẹn.
Người bệnh đã lớn tuổi, có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thiếu máu tim cục bộ, Alzheimer..., bác sĩ tư vấn chuyển đến bệnh viện lớn để phẫu thuật.
Thoát vị bẹn là tình trạng một phần cơ quan trong bụng (mạc nối, ruột non, đại tràng, bàng quang...) không còn nằm ở vị trí thông thường mà chui ra khỏi một điểm yếu trên thành bụng ở vùng bẹn. Theo thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thanh Trúc, Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đây là trường hợp rất hiếm, y văn ghi nhận chiếm 1-3% trong tổng số các trường hợp thoát vị bẹn, chỉ gặp ở nam giới.
Kết quả chụp chiếu cho thấy khối thoát vị lớn bằng khoảng 1/4 bàng quang, cỡ trái cam nhỏ, khiến người bệnh bí tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu gây đau đớn, khó đi lại. Với lỗ thoát vị lớn, đường kính 3 cm, nếu bệnh nhân không phẫu thuật sớm, bàng quang có thể sa xuống bẹn, gây biến chứng nặng hơn như viêm bàng quang, hoại tử bàng quang. Mổ mở là cách duy nhất để đưa bàng quang về đúng vị trí.
Người bệnh được các bác sĩ gây tê tủy sống, mổ vá lỗ thoát vị và đặt lưới nhân tạo để bàng quang không chui vào bẹn nữa, khâu lại các cân cơ thành bụng đã giãn yếu. Hai ngày sau mổ, bệnh nhân hết triệu chứng thoát vị bàng quang, sinh hoạt bình thường.
Bác sĩ Trúc cho biết thoát vị bẹn có thể do bẩm sinh hoặc do các yếu tố nguy cơ như già yếu, người làm việc nặng lâu năm, mắc các bệnh phì đại tuyến tiền liệt, táo bón, ho kéo dài...Ở trường hợp của ông Nam, nguyên nhân thoát bàng quang qua bẹn do mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
Khối sa có thể trở về khoang bụng khi dùng tay ấn, nằm nghỉ ngơi, nhưng không thể tự khỏi. Bệnh lý lành tính, chỉ gây khó chịu nhưng không được điều trị sớm có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Nếu tạng thoát vị không thể chui trở lại vào ổ bụng sẽ gây phù nề dẫn tới thiếu máu nuôi, hoại tử và nhiễm trùng.
Khi xuất hiện các khối phồng vùng bẹn, tăng kích thước khi đứng lâu, ho, hoặc rặn lúc đi đại tiện nhưng khối này biến mất khi nằm; có cảm giác nóng ran, đau nhói, nặng hoặc đầy ở bẹn; sưng bìu ở nam giới... người bệnh cần đi khám nhằm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, bác sĩ Trúc khuyến cáo.
Anh Thư
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.