Hệ thống tiết niệu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng nội môi của cơ thể bằng cách lọc các chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu. Tuy nhiên, khi cơ thể bị mất nước, sự cân bằng này có thể bị phá vỡ, dẫn đến nhiều vấn đề về tiết niệu.
Maude Carmel, phó giáo sư tiết niệu tại một trung tâm y tế ở Mỹ, cho biết mùa hè, với nhiệt độ cao sẽ làm tăng nguy cơ mất nước. Cơ thể bị mất nước có thể không sản xuất đủ nước tiểu để loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu, khiến nước tiểu bị cô đặc gây nhiễm trùng bàng quang, hình thành sỏi thận và tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Những bệnh nhiễm trùng thông thường này được báo hiệu bằng cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu, tăng tần suất đi tiểu, tiểu gấp và tiểu ra máu.
Do đó, mọi người cần cung cấp đủ nước cho cơ thể để đảm bảo hệ thống tiết niệu hoạt động bình thường, tránh những biến chứng tiềm ẩn này. Để ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng mất nước nên lưu ý những biện pháp sau:
Uống nhiều nước
Uống đủ nước là cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Lượng nước nên uống hàng ngày phụ thuộc vào các yếu tố như cân nặng, tuổi tác, sức khỏe tổng quát và mức độ hoạt động. Nhưng trung bình một ngày mỗi người nên uống từ 2 đến 2,5 lít nước.
Hạn chế caffein và rượu
Đồ uống chứa nhiều cồn, caffein và đường có khả năng hoạt động như chất lợi tiểu trong cơ thể và thúc đẩy tình trạng mất nước. Do đó, cần hạn chế sử dụng những loại đồ uống này, đặc biệt là trong những ngày hè nắng nóng. Hoặc sau khi uống, bạn nên bổ sung một lượng nước vào cơ thể để bù đắp.
Ăn thực phẩm giàu nước
Những loại quả như dưa hấu, dưa chuột, cà chua... có hàm lượng nước cao, giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước. Do đó, bạn hãy bổ sung những loại thực phẩm này vào bữa ăn của mình. Những loại nước ép trái cây còn tốt cho da, vóc dáng của hầu hết phụ nữ.
Bù điện giải
Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng, thức uống điện giải có thể giúp bù lại lượng điện giải đã mất. Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng liều lượng phù hợp nhằm kiểm soát tình trạng mất nước của cơ thể.
Ngoài viêm đường tiết niệu, mất nước còn gây ra một số tác hại như:
Sỏi thận: Mất nước làm cô đặc nước tiểu, dẫn đến sự tích tụ các chất và khoáng chất không mong muốn trong cơ thể và hình thành sỏi thận. Những viên sỏi này gây đau và tổn thương đáng kể cho đường tiết niệu.
Suy thận: Thận bị ảnh hưởng khi cơ thể mất nước. Với những trường hợp mất nước nghiêm trọng, không được điều trị có thể gây ra những tổn thương không thể khắc phục được ở thận.
Các vấn đề về bàng quang: Khi cơ thể bị mất nước, nước tiểu sẽ cô đặc lại, gây kích ứng và viêm bàng quang. Sự kích thích này dẫn đến một loạt các triệu chứng như tiểu nhiều lần, cấp bách và đau khi đi tiểu. Uống đủ nước trong ngày giúp ngăn ngừa các vấn đề về bàng quang bằng cách giữ cho nước tiểu loãng và giảm kích thích bàng quang.
Các vấn đề về tuyến tiền liệt: Mất nước làm giảm lượng nước tiểu, dẫn đến các vấn đề về tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt có thể to ra và gây ra các vấn đề về dòng nước tiểu.
Rối loạn cương dương: Khi cơ thể bị mất nước, nó có thể không sản xuất đủ lượng máu đến dương vật, gây khó khăn cho việc đạt được hoặc duy trì sự cương cứng.
Đau nhức trong kỳ kinh nguyệt: Các tác dụng phụ của mất nước cũng có thể cảm nhận được trong kỳ kinh nguyệt, gây ra các biến chứng như: kinh nguyệt không đều, nhức đầu hay tâm trạng thất thường (cáu kỉnh và lo lắng).
Nếu gặp triệu chứng đau khi đi tiểu, tiểu rát, tiểu ra máu..., mọi người cần đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân và được điều trị kịp thời.
Như Ý (Theo UT South Western, USW)