Người bệnh dễ khó thở do khối u phát triển trong cơ thể, biến chứng gây nhiễm trùng, tác dụng phụ sau điều trị... Thực tế, mỗi bệnh nhân có mức độ khó thở khác nhau. Một số người khó thở sau khi tập thể dụng, hoạt động thể chất hoặc khó thở mạn tính.
Điểm chung của bệnh nhân ung thư phổi bị khó thở là cảm giác ngạt thở, không thể thở được, thở nhanh bất thường (hơn 20 nhịp một phút). Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác như môi, miệng, ngón tay tím tái, xanh do thiếu oxy, da nhợt nhạt, lỗ mũi nở rộng khi thở. Khi thở ra hoặc hít vào, bệnh nhân bị hóp ngực do xương sườn lõm.
Có nhiều nguyên nhân gây khó thở ở bệnh nhân ung thư phổi. Trong quá trình điều trị, chẩn đoán, bác sĩ tìm ra một số lý do như dưới đây.
Khối u trong phổi phát triển
Đây là nguyên nhân phổ biến khiến bệnh nhân khó thở. Khối u phát triển, chèn ép phổi dẫn đến tình trạng phổi thông khí kém hoặc đường thở bị chặn. Cùng với đó, sự dịch chuyển của khối u gây suy giảm chức năng phổi của bệnh nhân ung thư.
Giảm thể tích phổi
Sau phẫu thuật ung thư phổi (cắt bỏ tiểu thùy, khí quản, sụn), thể tích phổi của bệnh nhân giảm, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, khó thở tăng. Sẹo để lại sau quá trình xạ trị, phẫu thuật cũng ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan này, tiến triển thành khó thở mạn tính.
Tràn dịch màng phổi
Chất lỏng trong cơ thể tích tụ quá nhiều giữa các màng ngăn phổi (màng phổi) gây nén phổi, giảm lượng oxy tới các túi khí nhỏ của phổi (phế nang). Chất lỏng có thể lành tính hoặc chứa các tế bào ung thư. Khi chất lỏng này gia tăng, bệnh nhân sẽ bị tràn dịch màng phổi.
Tràn dịch màng tim
Chất lỏng ở màng phổi có thể tích tụ giữa các màng ngăn tim gây tràn dịch màng ngoài tim. Áp lực của tình trạng này có thể nén tim, giảm khối lượng máu được bơm qua cơ thể và lượng oxy cung cấp cho các mô. Khó thở là triệu chứng điển hình của tràn dịch màng ngoài tim ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối.
Viêm phổi
Nhiễm trùng, viêm phổi là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Viêm phổi xảy ra khi khối u làm tắc nghẽn một phần đường hô hấp hoặc người bệnh ức chế miễn dịch sau hóa trị. Lúc này, cơ thể không có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus thông thường ở đường hô hấp dưới do hệ miễn dịch yếu.
Viêm phổi do bức xạ
Đây là tác dụng dụng phụ thường gặp sau xạ trị ung thư phổi. Tiếp xúc với bức xạ có thể khiến đường thở hẹp, tiết nhờn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân viêm phổi sẽ tiến triển thành xơ phổi, gây suy giảm chức năng phổi, khó thở mạn tính.
Thuyên tắc phổi
Những người mắc ung thư biểu mô tuyến phổi nhiều nguy cơ hình thành cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch). Các cục máu đông này có thể vỡ, di chuyển đến phổi, gây thuyên tắc phổi. Các triệu chứng ban đầu của thuyên tắc phổi nhẹ, nhưng tiến triển nhanh khiến bệnh nhân khó thở đột ngột, đau ngực dữ dội. Người bệnh cũng có thể thấy đau, sưng đỏ ở bắp chân.
Thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng cơ thể thiếu các tế bào hồng cầu đủ chức năng vận chuyển oxy đến các mô của cơ thể. Bệnh nhân ung thư thiếu máu do hóa trị hoặc mắc các bệnh lý mạn tính khác.
Dị ứng thuốc
Nhiều loại thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị ung thư phổi có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Dị ứng thuốc thường gây ngứa, phát ban lan tỏa, khó thở nhẹ. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan vì các triệu chứng này có thể gây sốc phản vệ, đe dọa tính mạng.
Lo lắng quá mức
Người bệnh ung thư thường xuyên lo lắng, mất ngủ, khó kiểm soát cảm xúc có thể khuếch đại cảm giác khó thở, nhịp tim nhanh. Tùy vào nguyên nhân mắc bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp như dùng thuốc, thực hiện liệu pháp oxy, tập thở hoặc phẫu thuật.
Ngoài các nguyên nhân trên, bệnh nhân ung thư phổi có thể mắc các bệnh lý mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy tim sưng huyết, hen suyễn, suy giáp. Người béo phì dễ khó thở do áp lực từ ổ bụng hạn chế lượng không khí vào phổi.
Nhằm khắc phục tình trạng này, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giúp giãn đường thở, cải thiện hô hấp, thay đổi tâm trạng. Người bệnh lo âu kéo dài có thể dùng một số loại thuốc giảm cảm giác khó thở. Trường hợp khó thở mạn tính vì mắc ung thư giai đoạn cuối có thể dùng thuốc giãn phế quản.
Minh Thúy
(Theo Very Well Health)