Trả lời
Rối loạn giấc ngủ do rối loạn nhịp sinh học là tình trạng thường gặp ở người làm việc ca đêm. Bạn đã làm việc ca đêm một thời gian dài, tức là đồng hồ sinh học đã phần nào thay đổi. Rối loạn giấc ngủ do làm việc theo ca không chỉ gây khó ngủ, suy giảm nhận thức, ảnh hưởng sức khỏe mà còn giảm hiệu quả công việc, dễ mắc sai sót, tai nạn.
Để điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể, bạn cần áp dụng nhiều biện pháp phù hợp. Bạn không nên tự ý uống thuốc ngủ, thuốc an thần vì chúng không giúp điều chỉnh nhịp sinh học, về lâu dài có thể gây ra các tác dụng phụ, lệ thuộc thuốc.
Thay vào đó, bạn cố gắng duy trì giờ giấc ngủ cố định mỗi ngày theo lịch làm việc mới, dần ổn định lại nhịp sinh học. Tăng cường tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào ban ngày. Buổi tối khi chuẩn bị ngủ, bạn cần giảm tiếp xúc với ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử.
Tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu bia vào buổi chiều tối. Bạn có thể thử tắm nước nóng, thiền hoặc một hoạt động thư giãn khác như nghe nhạc nhẹ, đọc sách. Không ăn nhiều trước khi ngủ. Đảm bảo phòng yên tĩnh, đủ ánh sáng, nhiệt độ vừa phải, sạch sẽ.
Bạn cũng nên tập thể dục thường xuyên ở mức độ vừa phải nhằm giảm thời gian thao thức. Không vận động mạnh ngay trước khi ngủ vì dễ kích thích sản sinh adrenaline, khiến khó ngủ hơn. Nếu không có thời gian đến phòng tập thể dục, bạn có thể đi bộ 30 phút mỗi ngày.
Khi đã áp dụng các biện pháp này mà nhịp sinh học chưa cải thiện, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa thần kinh kiểm tra. Bạn có thể được đo đa ký giấc ngủ để tìm hiểu thêm nguyên nhân gây khó ngủ, mất ngủ, điều trị bằng kích thích từ trường xuyên sọ có tác dụng như massage não. Các sóng điện từ đi xuyên qua hộp sọ, tác động vào vùng não chịu trách nhiệm giấc ngủ, cải thiện bệnh.
ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính
Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |