Trẻ em ở tuổi mới biết đi hoặc trẻ học mẫu giáo dễ bị bầm tím dưới da. Theo TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích - bác sĩ chuyên khoa Da liễu, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hầu hết vết bầm tím là bình thường nếu xuất hiện ở cẳng chân do va chạm trong lúc đi hoặc chạy. Trẻ lớn hơn có xu hướng bị bầm tím ở tay và chân do chơi đùa và vận động. Những vết bầm kiểu này nhìn chung không có gì đáng lo ngại. Chúng thường phẳng và có kích thước nhỏ. Một số trẻ nhỏ hơn cũng thường bị bầm tím trên trán, mũi, môi do ngã và va đập đầu mặt vào các vật khác.
Bác sĩ Bích cho biết, thông thường dấu hiệu đầu tiên của vết bầm tím là một đốm đỏ và đổi sang màu tím hoặc xanh đậm vào hôm sau. Khi vết bầm lành lại sẽ chuyển sang màu xanh lục, vàng hoặc nâu vàng trước khi biến mất hoàn toàn. Quá trình này có thể mất đến 2 tuần.
Trong khi đó, vết bầm tím được coi là là bất thường có những biểu hiện hoàn toàn ngược lại. Kích thước (to hơn), vị trí vết bầm tím hoặc thời gian cần thiết để máu ngừng tích tụ có thể là dấu hiệu cảnh báo bao gồm: vết bầm cơ thể có xu hướng lớn hơn không tương ứng với vết thương (ví dụ: chỉ va chạm nhỏ với chân bàn nhưng vết bầm tím lớn hơn nhiều); không rõ nguyên nhân xảy ra (không bị ngã hoặc chấn thương); vết bầm kéo dài hơn một vài tuần; vết bầm xuất hiện ở trẻ sơ sinh chưa biết bò hoặc đi; vết bầm xuất hiện ở những vị trí bất thường như ngực, lưng, tay, tai, mặt hoặc mông của trẻ.

Trẻ nhỏ thường dễ bị bầm tím dưới da do va chạm trong lúc đi, chạy hoặc vận động. Ảnh: Dreamstime
Va đập và té ngã là lý do phổ biến nhất dẫn đến bầm tím nhưng bác sĩ Ngọc Bích cảnh báo, đôi khi những vết bầm này có thể dấu hiệu bất thường như:
Bạo hành trẻ em: Vết bầm tím ở trẻ sơ sinh, vết bầm tím không rõ nguyên nhân và vết bầm tím ở những nơi bất thường (cánh tay, bàn tay, tai, cổ, mông...) được coi là đáng ngờ. Tương tự như vậy, những vết bầm có hình dạng cụ thể như vết cắn lớn, vết bỏng do thuốc lá hoặc vết thắt lưng có thể là dấu hiệu của hành vi ngược đãi trẻ em.
Bệnh Von Willebrand: Đây là chứng rối loạn cầm máu có tính di truyền và thường nhẹ. Căn bệnh này có thể khiến một người dễ bị bầm tím, chảy máu cam thường xuyên, máu kinh ra nhiều và chảy máu sau phẫu thuật.
Giảm tiểu cầu: Đây là tình trạng số lượng tiểu cầu thấp, có vai trò quan trọng trong việc giúp máu đông lại. Số lượng tiểu cầu thấp có thể do tiểu cầu không được sản xuất hoặc đang bị tổn hại. nguyên nhân thường gặp là nhiễm vi-rút, trong đó trẻ nhỏ xuất hiện những vết bầm tím lớn và chấm xuất huyết (chấm nhỏ màu tím dưới da) sau khi bị nhiễm siêu vi
Giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP): Chứng rối loạn tự miễn dịch này do cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại tiểu cầu khiến tiểu cầu bị phá hủy và gây ra tình trạng xuất huyết da, nội tạng...
Hemophilia A (thiếu yếu tố VIII) hoặc hemophilia B (thiếu yếu tố IX): Hemophilia thường được chẩn đoán ở trẻ trước giai đoạn từ 2 đến 5 tuổi.
Bệnh bạch cầu: Đây là những bệnh ung thư ảnh hưởng đến các tế bào máu. Ngoài dễ bị bầm tím, chảy máu và số lượng tiểu cầu thấp, trẻ em mắc bệnh bạch cầu thường có các dấu hiệu và triệu chứng khác như có số lượng hồng cầu thấp, sốt và sụt cân.
Thiếu vitamin K: Vitamin K1 hoặc vitamin K2 cần thiết cho quá trình đông máu. Do vai trò thiết yếu của chúng trong việc sản xuất prothrombin, một loại protein do gan tạo ra có tác dụng hình thành cục máu đông. Do đó, thiếu một trong hai chất này có thể dẫn đến các vấn đề về chảy máu ở trẻ nhỏ.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Aspirin, thuốc động kinh và một số loại kháng sinh có thể gây bầm tím hoặc chảy máu bất thường.
Bác sĩ Bích lưu ý, những gia đình có tiền sử bị chảy máu, dễ bị bầm tím hoặc rối loạn chảy máu, chẳng hạn như bệnh Von Willebrand (căn bệnh gây rối loạn cầm máu) hoặc bệnh máu khó đông nên thận trọng nếu phát hiện con mình xuất hiện vết bầm trên da. Một số xét nghiệm chuyên khoa tại bệnh viện có thể giúp bác sĩ xác định xem nguyên nhân vết bầm tím và có cần điều trị hay không.
Bảo Bảo